Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Sáng 29/10, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư dự án.

 Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trình bày Tờ trình về chủ trương
đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. (Ảnh: TTXVN)

Cần 18,7 tỷ USD để thực hiện dự án

Theo Tờ trình của Chính phủ, Cảng hàng không quốc tế Long Thành được quy hoạch tại tỉnh Đồng Nai, cách thành phố Hồ Chí Minh 45 km theo đường chim bay, nằm tại trung tâm khu vực kinh tế lớn nhất của cả nước.

Các quy hoạch giao thông đường bộ, đường sắt khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam hoàn toàn phù hợp đối với nhu cầu giao thông tiếp cận và nối giữa Cảng hàng không quốc tế Long Thành với thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể: 03 đường cao tốc: Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Bến Lức - Long Thành; Biên Hoà - Vũng Tàu; đường sắt: Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây…

Đảm bảo đủ diện tích quy hoạch (5.000 ha) để xây dựng một cảng hàng không quốc tế mới, hiện đại có công suất 100 triệu hành khách/năm, sân bay cấp 4F, cấu hình 04 đường cất, hạ cánh; đảm bảo có khu vực dùng riêng cho một căn cứ quân sự lớn trong tương lai (1.000 ha).

Xây dựng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành từng bước đạt cấp 4F (theo phân cấp của ICAO); giữ vai trò là Cảng HKQT cửa ngõ lớn và quan trọng bậc nhất của quốc gia, dự kiến trong tương lai sẽ trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á.

Dự án phải giải phóng mặt bằng toàn bộ 5.000 ha sẽ được thực hiện trong giai đoạn 1. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án là 5.381 hộ.

Theo báo cáo của Chính phủ, khái toán tổng mức đầu tư 3 giai đoạn của dự án là 18,7 tỷ USD. Giai đoạn 1 khoảng 7,8 tỷ, giai đoạn 2 hơn 3,8 tỷ và giai đoạn 3 hơn 7 tỷ USD (giai đoạn sau cùng có quy mô 100 triệu khách).

Dự án thực hiện bằng vốn ngân sách Nhà nước, ODA và vốn huy động khu vực ngoài Nhà nước. Để tạo thuận lợi cho dự án trong quá trình triển khai, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét một số cơ chế đặc thù cho dự án về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, miễn tiền sử dụng dất khu bay, miễn thuế nhập khẩu cho các thiết bị, máy móc nhập ngoại v.v...

Cần đánh giá tác động của dự án với nợ công

Thẩm tra Báo cáo đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định: Hầu hết ý kiến tán thành chủ trương của Đảng và Nhà nước, nước ta cần có một Cảng HKQT Long Thành hiện đại đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Dù tán thành với chủ trương đầu tư, nhưng vẫn còn ý kiến băn khoăn, đề nghị làm rõ tính ưu tiên và thứ tự ưu tiên đầu tư của Cảng HKQT Long Thành trong quy hoạch ngành giao thông vận tải nói chung và quy hoạch ngành hàng không nói riêng; trong lúc khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên cân nhắc lựa chọn việc đầu tư Cảng HKQT Long Thành hay lựa chọn đầu tư phát triển hệ thống đường sắt Bắc - Nam hoặc phát triển hệ thống giao thông đường thủy trên cơ sở đánh giá toàn diện cả hiệu quả kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài.

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành sử dụng nguồn vốn nhà nước, vốn vay trong bối cảnh nợ công tăng nhanh và ngân sách nhà nước khó khăn thì chưa bảo đảm tính khả thi. Mặt khác, nếu khả năng vay được từ nguồn của các tổ chức tài chính quốc tế thì cũng phải có sự bảo lãnh của Chính phủ.

Theo báo cáo đầu tư, Dự án Cảng HKQT Long Thành khi hoàn thành đưa vào khai thác sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước nói chung và khu vực phía Nam nói riêng. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, đây là dự báo lạc quan về lượng hành khách đạt được, thực tế lợi ích kinh tế của dự án trong quá trình khai thác còn phụ thuộc nhiều yếu tố như: vấn đề tiết giảm các chi phí khai thác, vận hành tại cảng hàng không, mức độ thu hút du lịch, hệ thống hạ tầng đồng bộ… Nói cách khác là phải đảm bảo tính cạnh tranh liên tục với chất lượng tốt hơn, giá cả rẻ hơn các sân bay quốc tế của các nước trong khu vực.

Sau khi đánh giá bối cảnh quốc tế và khu vực cũng như tình hình kinh tế của đất nước, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ hơn nữa sự cần thiết, tính cấp thiết, xác định thời điểm phải xây dựng Cảng HKQT Long Thành; tính hợp lý, hiệu quả, khả thi về nguồn vốn đầu tư của toàn bộ dự án, phương thức huy động vốn và phân kỳ đầu tư; xác định rõ phần vốn đầu tư của Nhà nước trong dự án trên cơ sở cân đối tổng vốn đầu tư của Nhà nước cho đầu tư phát triển nói chung, cho ngành giao thông vận tải nói riêng; khả năng tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài; đánh giá toàn diện các mặt tác động của dự án đối với vấn đề nợ công v.v...

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam