Cần tiếp tục cấp Giấy khai sinh để đảm bảo quyền trẻ em

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, sáng 28/10, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật hộ tịch, trong đó tập trung làm rõ về việc cấp Giấy khai sinh và Thẻ căn cước công dân; về thẩm quyền đăng ký hộ tịch; về thủ tục, thời hạn đăng ký hộ tịch…

Về việc cấp Giấy khai sinh, các đại biểu (ĐB) Quốc hội có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành việc tiếp tục cấp Giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh như quy định hiện hành. Loại ý kiến thứ hai đề nghị bỏ việc cấp Giấy khai sinh trong dự thảo Luật hộ tịch, thay vào đó cấp Thẻ căn cước công dân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh như trong dự án Luật căn cước công dân.

 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Trần Dương Tuấn phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)

Tại buổi thảo luận ở hội trường, ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc); ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang); ĐB Điều Huỳnh Sang (Bình Phước) và nhiều ĐB khác đồng tình cho rằng: Cần thiết tiếp tục cấp Giấy khai sinh cho trẻ em vì đăng ký khai sinh là việc Nhà nước chính thức thừa nhận việc ra đời của một con người. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì trẻ em sinh ra được Nhà nước cấp Giấy khai sinh trong đó có ghi những thông tin cơ bản của trẻ em. Giấy khai sinh có giá trị pháp lý làm căn cứ cho việc cấp các loại giấy tờ khác trong quản lý nhà nước. Hơn nữa, việc cấp Giấy khai sinh đã và đang được thực hiện thống nhất, ổn định từ nhiều năm nay, cơ bản không có vướng mắc.

Cũng theo các ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang), ĐB Điều Huỳnh Sang (Bình Phước), với việc cấp Giấy khai sinh thì việc cấp Thẻ căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi là không cần thiết, gây tốn kém như quy định tại dự án Luật Căn cước công dân. Lập luận cho quan điểm này, ĐB Điều Huỳnh Sang cho rằng, trẻ em dưới 14 tuổi có sự thay đổi nhanh chóng về thể chất, nhân dạng và thẻ căn cước cũng không có giá trị trong các giao dịch. Trong khi, nếu cấp thẻ căn cước cho lứa tuổi dưới 14 thì sẽ phải cấp cho khoảng 21 triệu trẻ em trong khi lại chỉ có tác dụng… cất giữ là không hợp lý, gây tốn kém.

Một số ý kiến đại biểu thảo luận nên hay không nên giao cho UBND cấp xã thẩm quyền đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài, mà giao cho UBND cấp huyện hoặc cấp tỉnh? Về vấn đề này, nhiều đại biểu cho rằng nên giao cho UBND cấp xã thẩm quyền đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài ở khu vực biên giới đất liền để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vì công tác này từ trước tới giờ cơ bản thực hiện tốt, không có vướng mắc, bất cập; còn các việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài khác thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện.

Trước đó, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thẩm tra dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho hay, một vấn đề nổi lên hiện còn nhiều ý kiến khác nhau là về phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật. Một số đại biểu tán thành với đề nghị của Chính phủ khi cho rằng, dự thảo Luật chỉ nên quy định về ban hành các văn bản pháp luật có chứa quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng nhiều lần đối với mọi cá nhân, tổ chức.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật cho phù hợp với tên gọi, bao gồm cả việc ban hành văn bản pháp luật chung và văn bản pháp luật là các quyết định hành chính, trừ văn bản pháp luật trong lĩnh vực tố tụng. Theo đó, nên sáp nhập nội dung điều chỉnh trong Dự án Luật ban hành quyết định hành chính vào Dự án Luật này với tên gọi chung là “Luật ban hành văn bản pháp luật”.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, để bảo đảm tính khả thi trong tình hình hiện nay, dự án Luật này chỉ nên điều chỉnh đối với việc ban hành văn bản pháp luật như loại ý kiến thứ nhất; đối với các văn bản pháp luật là quyết định hành chính thì sẽ điều chỉnh trong dự án Luật ban hành quyết định hành chính./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam