Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày nêu rõ, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã có nhiều quy định thể chế hóa quy định của Hiến pháp về quyền có chỗ ở của công dân, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu nhà ở, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, người sử dụng nhà ở.
Dự thảo Luật cũng đã có các quy định cụ thể về chính sách nhà ở xã hội nhằm tạo điều kiện để các đối tượng xã hội, người thu nhập thấp, hộ nghèo được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội với giá rẻ hoặc được Nhà nước hỗ trợ vốn. Tuy nhiên, để tiếp tục thể chế hóa quy định của Hiến pháp về bảo đảm quyền có chỗ ở của công dân, một số ý kiến đề nghị cho bổ sung quy định nghiêm cấm đối với hành vi xâm phạm nhà ở trái pháp luật, phát triển đa dạng các loại nhà ở, đặc biệt chú trọng đến quyền có chỗ ở của công dân, có cơ chế ưu đãi, khuyến khích mạnh hơn việc phát triển nhà ở cho thuê.
Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
(Ảnh: TTXVN)
Cho ý kiến tại phiên thảo luận về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng: Dự thảo luật quy định là đúng nhưng chưa đủ, đề nghị bổ sung quy định xử lý khoảng trống khi người mua nhà đã thanh toán hết tiền, người đổi nhà đã thực hiện xong việc đổi nhà nhưng giấy tờ về quyền sở hữu, quyền sử đụng đất gắn liền với nhà chưa hoàn thành vì khi đó, người bán nhà ở ưu thế "nắm đằng chuôi" khi vẫn nắm giữ giấy tờ nên người mua nhà không thể tự mình đi làm thủ tục quyền sở hữu nhà.
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) chia sẻ: Thực tế thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp về nhà ở, nguyên nhân do các bên bỏ qua thủ tục đăng ký dẫn đến một căn nhà được bán cho nhiều người. Do đó, để giảm thiểu các tranh chấp về nhà ở, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và người mua, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xác định rõ trong luật thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà tại khoản 2 Điều 12.
Về việc có nên thành lập Quỹ Phát triển nhà ở xã hội hay không, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, qua thảo luận ghi nhận 2 luồng ý kiến: Thứ nhất, không tán thành việc thành lập Quỹ Phát triển nhà ở xã hội. Thứ hai, tán thành với quy định về việc thành lập Quỹ Phát triển nhà ở xã hội nhưng cần quy định rõ hơn về mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của tổ chức tài chính Nhà nước này.
Phân tích điểm được, mất khi thành lập Quỹ Phát triển nhà ở xã hội, Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng: Không nên cho thành lập Quỹ này, vì ngay trong dự thảo Luật sửa đổi đã có quy định chính sách ưu đãi cho nhà ở công vụ, tái định cư… nên không cần thiết lập quỹ này.
“Không có lý do gì trích tiền ngân sách, tiền thuế đóng góp của dân để lập quỹ này chỉ để phục vụ cho 1 nhóm dân cư. Bên cạnh đó, với các phương án huy động vốn khác như nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ, vốn từ phát hành công trái hay tiền lãi góp tiết kiệm của người mua, thuê mua nhà ở xã hội…. cũng đều không khả thi. Quỹ này hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nên lấy tiền đâu để trả lãi suất trái phiếu Chính phủ? Còn nếu nói lấy tiền góp vốn tiết kiệm từ người mua nhà thì cũng không có cơ sở, vì họ có tiền thì mua đứt nhà chứ lý do gì trích tiền đóng vào quỹ” - đại biểu Vẻ phân tích.
Tán thành với quy định về việc thành lập Quỹ Phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhấn mạnh: Ban soạn thảo cần quy định rõ hơn về mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của tổ chức tài chính nhà nước này. Ngoài ra, chỉ nên lập quỹ ở đô thị có nhu cầu nhà ở xã hội cao.
Đại biểu Lê Thị Công cho rằng: Các nguồn vốn phục vụ cho việc phát triển nhà ở được quy định tại Điều 67 Dự thảo Luật trên thực tế có trường hợp chủ đầu tư huy động vốn nhưng không sử dụng đúng mục đích. Để bảo đảm niềm tin và an toàn cho việc huy động vốn đầu tư, đề nghị tại khoản 4 Điều 67 cần điều chỉnh vốn góp thông qua hình thức góp vốn hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết của cá nhân phải do một tổ chức độc lập quản lý nguồn vốn trong quá trình đầu tư dự án.
Cho ý kiến về sở hữu nhà ở, một số đại biểu đề nghị cân nhắc quy định “đối với giao dịch nhà ở là tài sản chung của vợ chồng thì ngoài việc thực hiện các quy định của Luật này còn phải thực hiện theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình”. Có ý kiến đề nghị cần phân biệt rõ hơn quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở và đề nghị quy định rõ hơn quyền, nghĩa vụ của nhà đầu tư và quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở.
Liên quan đến vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: các quyền về sử dụng đất ở gắn với nhà ở đã được quy định cụ thể trong Luật Đất đai năm 2013, để tránh trùng lặp thì dự thảo Luật chỉ quy định các quyền về sở hữu nhà ở. Mặt khác, trên thực tế thì quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở luôn gắn liền với nhau, do đó không nên có quy định tách biệt giữa 2 quyền này.
Tại phiên thảo luận, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu tập trung thảo luận là chính sách nhà ở nông thôn. Một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chủ yếu tập trung điều chỉnh nhà ở tại khu vực đô thị, nhà ở theo dự án, nhà chung cư mà chưa quan tâm đúng mức đến việc điều chỉnh vấn đề nhà ở tại nông thôn. Do đó, các đại biểu đề nghị việc quy hoạch nhà ở tại khu vực này cần được làm rõ vì liên quan đến nhiều luật khác như: Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng và Luật Đầu tư.
Trong phiên thảo luận sáng nay, các đại biểu cũng cho ý kiến về: Quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu; quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài; chính sách nhà ở công vụ; chính sách nhà ở xã hội, quỹ phát triển nhà ở xã hội; thời hạn sử dụng nhà chung cư, sở hữu chung nhà chung cư…
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam