Quốc hội thảo luận dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)

Chiều 24/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Đa số các đại biểu Quốc hội đồng tình với dự thảo luật, ngoại trừ một số ý kiến kiến nghị Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh, bổ sung thêm các quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người mua nhà; chế tài đối với chủ đầu tư dự án bán nhà “trên giấy” hoặc chiếm dụng vốn trái phép; vốn pháp định của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản...

 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo tiếp thu
của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Nhà nước đã có chính sách điều tiết thị trường bất động sản

Trước khi các đại biểu tiến hành phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đọc Báo cáo của Ủy ban Thương vụ Quốc hội về tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Giải trình ý kiến đề nghị làm rõ các công trình giao thông, thủy lợi, đê điều có phải là bất động sản đưa vào kinh doanh không, Ủy ban Thường vụ Quốc khẳng định: Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của dự án Luật, bất động sản đưa vào kinh doanh phải là nhà, công trình xây dựng thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân. Trường hợp nhà, công trình xây dựng là tài sản công thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép đưa vào kinh doanh. Như vậy, các công trình cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi… thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân cũng là bất động sản đưa vào kinh doanh.

Về ý kiến cho rằng quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được quyền đầu tư xây dựng nhà ở trên đất được Nhà nước giao để cho thuê mua là không phù hợp với quy định của Luật đất đai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định: Luật Đất đai năm 2013 đã quy định cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước giao đất để thực hiện dự án nhà ở để bán hoặc bán kết hợp cho thuê, nhưng không có quy định cấm cho thuê mua. Bản chất của hình thức cho thuê mua là sự kết hợp giữa hình thức thuê và mua.

Đối với ý kiến đề nghị cân nhắc quy định “Nhà nước có chính sách bình ổn thị trường bất động sản khi có biến động” vì quy định này không phù hợp với quy luật của thị trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích: Thực tế cho thấy thị trường bất động sản nước ta trong những năm qua phát triển thiếu ổn định nên Nhà nước đã có nhiều chính sách để điều tiết thị trường nhằm ổn định tình hình kinh tế - xã hội thông qua các giải pháp như: miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, miễn giảm thuế, ưu đãi tín dụng, điều chỉnh mục tiêu, quy mô dự án, diện tích căn hộ.

Hy vọng thị trường bất động sản sẽ "ấm" và lành mạnh hơn

Thảo luận về dự án Luật, đại biểu Trần Du lịch (đoàn Thành phố Hố Chí Minh) bày tỏ sự đồng tình khi Ban soạn thảo luật đã đưa ra nhiều quy định mới nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn và làm lành mạnh thị trường bất động sản; giảm bớt sự phiền hà cho người dân.

Tuy nhiên, vấn đề mà đại biểu Trần Du Lịch quan ngại nhất là dự thảo Luật chưa quy định chặt chẽ việc mua bán nhà hình thành trong tương lai. Tình trạng người dân đóng tiền mua nhà, nhưng chủ đầu tư dự án chiếm dụng vốn để kinh doanh việc khác, hậu quả mà người dân phải chịu là tiền mất mà nhà chẳng thấy đâu.

Những quan ngại của đại biểu Trần Du Lịch nhận được sự chia sẻ của đại biểu Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội), đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh). Theo đại biểu Đỗ Văn Dương, dự thảo luật kinh doanh bất động sản chưa đưa ra chế tài mạnh để xử lý những chủ đầu tư dự án lợi dụng việc huy động vốn để lừa đảo. Cần phải có chế tài mạnh để bảo vệ những người mua nhà, đống thời hạn chế việc khiếu nại, tố cáo.

Dù dự thảo luật đưa quy định chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được tổ chức tài chính hoặc tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam thực hiện bảo lãnh việc bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, nhưng theo một số đại biểu Quốc hội thì phải có thêm quy định ràng buộc đối với ngân hàng, nếu không thì người mua nhà vẫn bị thiệt.

Theo dự án Luật, tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh bất động sản phải có mức vốn pháp định là 20 tỷ đồng. Bên cạnh nhiều đại biểu đồng tình với quy định này, thì cũng có một số đại biểu bày tỏ sự không đồng tình, vì mức vốn pháp định 20 tỷ đồng là chưa phù hợp với “sức nóng” của bất động sản. Theo đại biểu Đinh Phương Lan (đoàn Quảng Ngãi), đại biểu Đỗ Thu Hằng (đoàn Đồng Nai), vốn pháp định phải được quy định theo quy mô dự án hoặc 20% của tổng mức đầu tư dự án. Dự án hàng trăm, hàng nghìn ha đất mà chủ dự án chỉ có vốn pháp định 20 tỷ đồng thì sẽ chứa đựng rất nhiều rủi ro... Tuy nhiên, cũng có đại biểu đồng tình với việc giữ quy định mức vốn pháp định tối thiểu là 20 tỷ đồng, đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể cho phù hợp với từng loại hình kinh doanh bất động sản và từng thời kỳ.

Với 11 ý kiến phát biểu thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), mặc dù còn có quan điểm khác nhau về một số điều luật, nhưng đa số đại biểu Quốc hội đều đồng tình khi dự án Luật được chuẩn bị công phu, có trách nhiệm, đủ diều kiện để thông qua./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam