Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ VHTT&DL.
(Ảnh: Chinhphu.vn)
Dự cuộc làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Theo báo cáo của Bộ trưởng VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh, giai đoạn 2011-2015, ngành có nhiều nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra, góp phần ngăn chặn những biểu hiện xuống cấp về văn hóa, suy thoái về tư tưởng, đạo đức xã hội, đạo đức học đường, đạo đức trong gia đình. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong cả nước ngày càng được nâng cao về chất lượng, kết hợp với quảng bá, xúc tiến du lịch, thương mại và kêu gọi đầu tư.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đã đạt được kết quả quan trọng, cả nước hiện có 20 di sản thế giới, 48 di tích quốc gia đặc biệt, 67 bảo vật quốc gia, 3.211 di tích quốc gia, 69 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 145 bảo tàng lưu giữ và trưng bày gần 3 triệu tài liệu, hiện vật.
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa chuyển biến tích cực, nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của gia đình có bước chuyển biến quan trọng và sự phối hợp liên ngành trong công tác gia đình bước đầu đạt kết quả tốt.
Toàn ngành đã tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch, tăng cường xúc tiến quảng bá, phấn đấu đến năm 2020, du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. 9 tháng năm 2014 lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 6 triệu lượt, tăng hơn 10%; khách du lịch nội địa đạt trên 32 triệu lượt, tăng 7,6%; tổng thu từ du lịch đạt 179 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm 2013, tạo ra gần 2 triệu việc làm.
Để đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, Bộ VHTT&DL kiến nghị tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; hoàn thiện thể chế về VHTT&DL, sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan; tăng tỷ trọng đầu tư cho văn hóa, thể thao, chú trọng làm tốt hơn công tác gia đình, có cơ chế chính sách, tạo thuận lợi cho du lịch phát triển bền vững và hiệu quả.
Nhiều ý kiến tại cuộc làm việc cho rằng, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, tăng cường thanh tra kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện lệch lạc, chống suy thoái đạo đức lối sống, đặc biệt trong giới trẻ, cần tránh hình thức, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng, nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa...
(Ảnh: Chinhphu.vn)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của việc phối hợp giữa các bộ, ngành, các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội trong xây dựng, thực hiện các phong trào văn hóa, thể thao.
Bên cạnh việc gìn giữ, phát huy, quảng bá những giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc, thì cần khắc phục kịp thời những bất cập hạn chế, nguy cơ mai một bản sắc, đồng thời sáng tạo những giá trị mới bồi đắp vào truyền thống văn hóa dân tộc.
Theo Phó Thủ tướng, phải có những giải pháp toàn diện, đồng bộ, nhiều mặt để tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong lĩnh vực VHTTDL như: Thể chế hóa, xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể cho đội ngũ hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao; tăng cường công tác nghiên cứu về văn hóa; khai thác tốt hệ thống cơ sở vật chất; phát động các phong trào văn hóa, thể dục thể thao sâu rộng trong toàn xã hội…
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh đánh giá việc tổng kết sâu rộng, toàn diện, cầu thị kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa 8, về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc giúp chúng ta nhìn lại những kết quả đạt được, thực trạng còn tồn tại, và nguyên nhân. Từ đó có căn cứ, cơ sở tham mưu để Bộ Chính trị, Trung ương ra nghị quyết mới về phát triển văn hóa với tinh thần lớn nhất, trọng tâm cốt lõi của văn hóa là xây dựng con người, tạo môi trường văn hóa lành mạnh.
Trong giai đoạn sắp tới, nhu cầu phát triển của đất nước đặt ra yêu cầu cao hơn đối với công tác quản lý Nhà nước về văn hóa; tạo dựng cơ chế sử dụng hiệu quả các công trình, thiết chế văn hóa; xây dựng đội ngũ những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa có uy tín, am hiểu sâu sắc; thu hút nguồn lực, sự quan tâm của cả xã hội vào lĩnh vực văn hóa thể thao…
“Xã hội hóa không chỉ là thu hút nguồn lực, sự quan tâm của cả xã hội vào sự phát triển văn hóa, thể thao mà còn cần cả sự tham gia của người dân nhưng cũng không có nghĩa bỏ đi, nghiệp dư hóa những ngành, lĩnh vực quan trọng”, đồng chí Đinh Thế Huynh nói.
Kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ngành VHTTDL cần nghiêm túc nhìn nhận lại những tồn tại, hạn chế, khó khăn, từ đó tìm ra hướng đi đúng, đặc biệt phải coi trọng khâu thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng thành luật pháp, cơ chế, chính sách; cụ thể hóa thành các Nghị định, hướng dẫn, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể.
Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, đầy đủ về các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình... Vấn đề là tổ chức triển khai thực hiện.
"Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển của đất nước, ngang hàng với chính trị, kinh tế, môi trường. Văn hóa là một trong bốn trụ cột để phát triển bền vững đất nước. Văn hóa vừa là trụ cột, vừa là nền tảng tinh thần của xã hội”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Tổng Bí thư khẳng định, trọng tâm của phát triển văn hóa là con người và môi trường văn hóa, để phục vụ cho công cuộc phát triển bền vững trong giai đoạn mới... Phát triển văn hóa, phát triển con người là phát triển về nhân cách đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, có trách nhiệm với gia đình, bản thân, với cộng đồng, xã hội, với đất nước...
Vấn đề gốc, có ý nghĩa quyết định của mọi quyết định là phải làm tốt công tác xây dựng nội bộ, xây dựng Đảng, cơ quan, xây dựng con người. Người làm công tác văn hóa càng phải gương mẫu, phải thực hiện cho tốt Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng, kết hợp với Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Nguồn www.chinhphu.vn