Homestay: Nét nhân văn trong loại hình du lịch mới

(NTO) Du lịch ở nhà dân (Homestay) là loại hình du lịch đang được thịnh hành. Nó bắt đầu từ nhu cầu của du khách muốn tiếp cận, gần gũi, tìm hiểu về văn hóa, con người, ẩm thực… của người dân bản xứ. Đây là một loại hình “Du lịch xanh” khá lý tưởng đối những người yêu thiên nhiên, thích khám phá văn hóa và cuộc sống của người dân bản địa.

Khác hẳn với hình thức du lịch nghỉ dưỡng thường chọn những nơi nghỉ có chất lượng dịch vụ tốt, du lịch Homestay là chọn nhà dân bản địa cho khách du lịch nghỉ chân. Như vậy đồng nghĩa với việc khách du lịch sẽ cùng sinh hoạt với gia chủ mọi hoạt động trong gia đình, từ giờ giấc nghỉ ngơi, ăn uống đến hoạt động vui chơi, giải trí. Tùy theo mục đích của mỗi du khách mà du lịch Homestay có những thiết kế tour chuyên biệt. Nhưng hầu hết thường chọn cách ba trong một, tức “cùng ăn, cùng nghỉ, cùng chơi”.

 

Mô hình Homestay ở Hội An (Quảng Nam). Ảnh: CTV

Tôi có một người bạn thân đã lập gia đình sống xa quê đã lâu, với hai đứa con giờ đây đã lớn. Cuộc sống nơi thị thành đã cuốn họ vào vòng xoáy của nền kinh tế thị trường, từ lúc mở mắt đến khi ngủ chỉ ghi nhớ trong đầu là làm việc và học tập mà thôi. Cho đến khi một đứa sắp bước chân vào cấp 2, một đứa chuẩn bị vào cấp 3 thì cả gia đình mới giật mình. Lũ nhỏ chưa bao giờ thấy tận mắt cây lúa, cây bắp, con trâu, con dê, cây cuốc, cái cày, ánh mặt trời buổi sớm, cảnh hoàng hôn dần tắt… là thế nào cả. Chúng giống như những chú gà công nghiệp, được nhốt trong một không gian kín. Hàng ngày có xe đưa đón đi học, thời gian ở nhà thì có quản gia trông nom, thỉnh thoảng mới được phép xem phim hoạt hình, phần còn lại là dành cho việc học.

Sau khi nhận thức được lợi ích từ loại hình du lịch kể trên, cứ vào dịp hè, toàn bộ gia đình họ đều tổ chức đi chơi từ các vùng miền trên dọc đường đất nước. Hành trang của họ được gói gọn trong 4 chiếc ba lô, thời gian cho một chuyến đi từ 2-3 tuần lễ, có khi còn nhiều hơn. Qua nhiều lần trải nghiệm đầy thú vị, mỗi chuyến đi xa dường như là một chất gây nghiện, khiến hàng năm gia đình họ phải “Homestay” ít nhất một lần.

Cứ thế, sau mỗi kỳ nghỉ, hai đứa trẻ ngày càng tiếp cận sâu hơn với thế giới bên ngoài; kỹ năng thích ứng trong mọi hoàn cảnh ngày càng lớn; ham khám phá những hiện tượng đổi thay xảy ra trong thiên nhiên; biết cảm thông những khó khăn vật chất mà người dân địa phương phải gắng chịu; biết thể hiện lòng yêu thương đến các loài vật khi bị con người sát hại; trân trọng thành quả lao động mình tạo ra như xới đất trồng một vạt cải xanh, cứ mỗi sáng sớm đều ra xem thử nó đã lớn bao nhiêu xen-ti-mét rồi; cảm thấy hạnh phúc khi mình dang tay giúp đỡ một ai đó và biết chế ngự nỗi sợ hãi trong bóng đêm …

Chúng dần trở nên tự lập hơn, cứng cỏi hơn, có thể phân tích những tình huống nguy cấp và chọn ra giải pháp ưu việt nhất. Từ điểm mạnh đó, tôi luôn đồng tình với họ về cách dạy con mang tính giáo dục “Học mà chơi, chơi mà học” đầy sức thuyết phục này…

Hiện nay, loại hình du lịch kể trên khá phổ biến ở nhiều địa phương, tuy nhiên đối với tỉnh ta dường như vẫn còn “xa lạ”. Mong rằng, ngành du lịch cần lưu tâm hơn nữa để góp phần đa dạng hóa các loại hình nhằm thu hút du khách.