Giải quyết khó khăn về đất sản xuất cho đồng bào nghèo

(NTO) Theo kết quả điều tra khảo sát, hiện toàn tỉnh có khoảng trên 3.030 hộ thiếu đất sản xuất, với diện tích cần hỗ trợ trên 1.024 ha. Trong đó, huyện Bác Ái có 1.237 hộ, với diện tích đất 390,5 ha, Ninh Sơn 849 hộ/322,48 ha, Thuận Bắc 622 hộ/212,2 ha, Ninh Phước 115 hộ/54,5 ha và Thuận Nam là 206 hộ/43,9 ha.

Ông Lê Thanh Hùng, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu đất sản xuất là do một số hộ nghèo mới tách hộ, chưa có đất sản xuất; do thiên tai, lũ lụt làm sạt lở, xói mòn làm mất đất sản xuất nông nghiệp; do thu hồi làm các công trình thủy lợi. Trong khi đó, việc khai hoang đất để hỗ trợ cho bà con gặp rất nhiều khó khăn. Một số địa phương hiện không còn quỹ đất; một số vùng đất xấu, chủ yếu là đất dốc, triền núi, không chủ động nước nên người dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất.

Hỗ trợ khai hoang đất sản xuất tại xã Phước Thành.

Nhằm trực tiếp hỗ trợ cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện sản xuất, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững, UBND tỉnh đang triển khai thực hiện Đề án chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Thông qua đó, nhiều phương án được đưa ra tùy theo tình hình thực tế của mỗi địa phương, trong đó chủ yếu là hỗ trợ cho đồng bào khai hoang, san lấp, cải tạo, phục hóa đất sản xuất ở những khu vực còn quỹ đất cấp cho dân, hoặc quy hoạch đất lâm nghiệp giao lại cho bà con cải tạo phục hóa, ổn định sản xuất lâu dài. Chẳng hạn, tại xã Phước Thành, huyện Bác Ái, địa phương đã tiến hành khai hoang tiểu khu 67a, với 54 ha để cấp cho các hộ dân. Xã Phước Thắng, Phước Tiến, Phước Hòa (Bác Ái) cũng đang thực hiện chính sách hỗ trợ từ chương trình 30a để khai hoang đất lâm nghiệp tại các khoảnh rừng sản xuất, cây bụi, rừng khoanh nuôi phục hồi xen lẫn đất sản xuất nông nghiệp của người dân đã canh tác lâu năm, với tổng diện tích 1.117 ha, thuộc các tiểu khu 57a, 64, 58b để giao cho dân cải tạo sản xuất. Ở huyện Ninh Sơn, đối với xã Lâm Sơn có 277 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tự khai hoang làm rẫy lâu năm trong đất lâm nghiệp thì nay sẽ được đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đối với xã Lương Sơn sẽ quy hoạch khu đất lâm nghiệp để giao cho 75 hộ thiếu đất sản xuất… Huyện Thuận Bắc đã tiến hành giao 6,2 ha đất trồng cây hàng năm tại khu vực thượng lưu hồ chứa Phước Nhơn cho 12 hộ dân ở thôn Suối Le, xã Phước Kháng; huyện cũng đang đề nghị UBND tỉnh xem xét giao 13 ha đất tại bãi lấy đất đắp hồ Bà Râu để lập dự án san lấp, phục hóa cấp cho 86 hộ dân ở Phước Kháng và Lợi Hải; đồng thời đề nghị giao lại diện tích đất thuộc lâm phần của BQL rừng phòng hộ Sông Trâu quản lý để giao cho 322 hộ dân cải tạo phục hóa, trồng cây hằng năm. Một số địa phương khác như Phước Nam, Phước Ninh (Thuận Nam) và Phước Hữu (Ninh Phước) sẽ thu hồi đất công ích của xã, cải tạo phục hóa để cấp lại cho các hộ nghèo…

Theo quy định của Chính phủ về việc thực hiện Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, mỗi hộ sẽ được hỗ trợ 15 triệu đồng từ nguồn ngân sách của Trung ương, đồng thời được vay tín dụng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội không quá 15 triệu đồng với lãi suất 0,1%/tháng, tương đương với 1,2%/năm, trong thời gian 5 năm để thực hiện khai hoang, cải tạo đất sản xuất.

Ông Lê Thanh Hùng cho biết thêm: Mục tiêu của đề án là phấn đấu đến hết năm 2015, giải quyết được 70% số hộ có đất sản xuất. Trong đó, năm 2014 thực hiện 50 % kế hoạch đề ra. Để thực hiện đạt kết quả, cần có sự hỗ trợ vốn từ ngân sách Trung ương, cùng với nguồn vốn tín dụng vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Các địa phương cũng cần lồng ghép nguồn vốn với các chương trình, dự án xây dựng nông thôn mới, Nghị quyết 30a, Quyết định 551 của Thủ tướng chính phủ và các nguồn vốn khác nhằm đảm bảo thực hiện chính sách tại địa phương có hiệu quả.

Như vậy, những giải pháp cụ thể để giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đã được tháo gỡ. Tin rằng trong thời gian tới, các ngành, các địa phương cần phối hợp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giúp cho bà con sớm có điều kiện sản xuất ổn định đời sống.