Chủ động "gỡ khó" trong sản xuất vụ mùa

(NTO) Vụ mùa năm nay, theo kế hoạch toàn tỉnh gieo trồng 24.300 ha; trong đó, cây lương thực 18.098 ha. Thời điểm hiện nay, nông dân cơ bản hoàn thành việc xuống giống.

Khó khăn lớn nhất trong sản xuất vụ mùa là thời điểm xuống giống, cây lúa cần nước thì thời tiết lại khô hạn, đến khi thu hoạch thường xảy ra lũ lụt. Thực tế là lượng mưa từ đầu năm đến nay thấp so với các năm trước. Đặc biệt, trong tháng 7 và tháng 8, nắng nóng gây gắt kéo dài làm mực nước ở các ao hồ xuống thấp.

Nông dân xã Hộ Hải (Ninh Hải) chuyển từ trồng lúa sang trồng dưa leo
để nâng cao thu nhập trong vụ mùa. Ảnh: Văn Miên

Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi, hiện nay tại 20 hồ chứa trên địa bàn tỉnh để phục vụ sinh hoạt và sản xuất chỉ còn 49,19 triệu m3, đạt 25,59% tổng dung tích thiết kế, so với cùng kỳ năm trước thấp hơn 24,88 triệu m3. Trong khi đó, 45 hồ chứa nước dung tích dưới 1 triệu m3 đang trong tình trạng cạn kiệt. Đồng chí Nguyễn Tin, Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở NN&PTNT), cho biết: “Trước nguy cơ thiếu nước cục bộ, ngành nông nghiệp khuyến cáo những vùng tưới bấp bênh, vùng miền núi cần có kế hoạch chuyển đổi từ lúa sang bắp, đậu và một số cây trồng khác đảm bảo có hiệu quả cao hơn”.

Đồng chí Phan Kế Vũ, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ninh Sơn cho biết: Trong vụ hè-thu và vụ mùa sớm do nắng nóng kéo dài nên ảnh hưởng xấu đến cây trồng. Thống kê sơ bộ ban đầu, tổng diện tích thiệt hại gần 900 ha; trong đó, cây bắp, đậu xanh hơn 58 ha. Gỡ khó cho nông dân tiếp tục sản xuất vụ mùa, huyện đang vận động bà con áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt để phục hồi cây trồng. Đến thời điểm hiện nay, nông dân trên toàn huyện đã xuống giống được gần 2.000 ha/2.244 ha bắp và hơn 1.000 ha đậu xanh, đậu phụng, mè.

Nông dân xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) chăm sóc cây bắp. Ảnh: Văn Miên

Điều đáng nói trong vụ mùa này nông dân ở thị trấn Tân Sơn, xã Lương Sơn khắc phục khó khăn bằng cách thâm canh cây dưa leo trên đất lúa để nâng cao giá trị đơn vị sản xuất. Tùy theo điều kiện địa hình và nguồn nước, bà con triển khai mô hình “2 lúa - 1 dưa”, “2 lúa – 1 bắp”, “1 lúa - 1 dưa - 1 rau”… Theo anh Nguyễn Hữu Việt, ở thôn Tân Lập 1, xã Lương Sơn, qua tham quan mô hình “2 lúa - 1 dưa” triển khai thí điểm ở thị trấn Tân Sơn thấy có nhiều cái lợi, nên năm ngoái anh đã học tập làm theo, kết quả rất khả quan. So sánh với cây lúa, trồng dưa cho thu nhập cao gấp 2, gấp 3 lần. Sau 2 tháng xuống giống dưa phủ kín giàn, hái liên tục trong vòng 1 tháng, năng suất mỗi sào đạt từ 1,5 đến 2 tấn, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 7 triệu đồng. Trước tình hình khô hạn, nhất là đợt nắng trong tháng 7 vừa qua kéo dài nhiều ngày, nên vụ mùa này anh Việt quyết định chuyển 2 sào đất lúa sang trồng dưa leo. Không riêng gì Ninh Sơn, nông dân ở các địa phương khác trong tỉnh cũng đã có giải pháp đối phó với thời tiết, đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất vụ mùa đạt hiệu quả.

Ở các vùng chuyên canh trồng lúa với quy mô lớn như xã Phước Hậu, Phước Thái, Phước Hữu… (Ninh Phước), Xuân Hải, Tân Hải (Ninh Hải), Bắc Phong (Thuận Bắc), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng chính quyền các cấp đang tích cực hướng dẫn bà con sản xuất đúng theo quy trình từ xuống giống, bón phân, phòng trừ sâu bệnh. Hiện nay, các cánh đồng lúa đang ở giai đoạn bón phân đợt 1, bà con nông dân tích cực thăm đồng, đắp bờ giữ mực nước vừa phải đảm bảo cho cây trồng phát triển. Ở nhiều địa phương, nông dân tiếp tục nhân rộng mô hình “1 phải, 5 giảm”, chú trọng sử dụng giống xác nhận. Riêng ở huyện Ninh Phước, diện tích mô hình lên tới 1.800 ha, chiếm 40% đất trồng lúa.

Để đảm bảo nước cho vụ mùa, đồng thời thoát lũ kịp thời khi có mưa bão, Sở NN&PTNT chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi có kế hoạch chủ động xây dựng phương án phòng, chống úng cho vụ mùa. Tiến hành kiểm tra các trạm bơm, sửa chữa hư hỏng, sẵn sàng vận hành có hiệu quả khi mưa lũ.