Tai nạn giao thông tuy giảm nhưng chưa… vững chắc!

(NTO) Có thể nói, từ đầu năm đến nay qua thực hiện quyết liệt các giải pháp của Chính phủ nói chung và của tỉnh nói riêng, cùng với cả nước tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh đã “giảm sâu” trên cả 3 tiêu chí.

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, chỉ tính 9 tháng vừa qua toàn tỉnh chỉ xảy ra 284 vụ tai nạn giao thông (kể cả va chạm) làm 66 người tử vong, 353 người khác bị thương đồng thời thiệt hại tài sản trên 988 triệu đồng. So với cùng thời gian này năm trước, điều đáng mừng là đã kéo giảm 29,52% về số vụ, 27,47% số người chết và 31,85% số người bị thương. Trong số này, tai nạn đường bộ xảy ra 57 vụ làm chết 64 người, bị thương 45 người. Nếu so với cùng kỳ năm trước đã giảm được 29,63% số vụ, 28,88% số người chết và 16,66% số người bị thương. Vậy đâu là nguyên nhân gây tai nạn?

Đội CSGT Tp. Phan Rang - Tháp Chàm tuần tra, kiểm soát bảo đảm ATGT trên các tuyến đường nội thành.

Theo phân tích của cơ quan chức năng, cho thấy: nguyên nhân đầu tiên là đi không đúng phần đường chiếm 31,66%, kế đến là tránh, vượt sai quy định chiếm 13,33%, không làm chủ tốc độ chiếm 10%. Uống rượu, bia say gây tai nạn cũng góp phần vào tỷ lệ 6,66%... Tai nạn xảy ra nhiều nhất là các tuyến quốc lộ (1A, 27B…) chiếm gần 50% số vụ, còn lại là các tuyến đường đô thị, liên thôn…

Thời gian thường xảy ra tai nạn từ 12-24 giờ, cao điểm là từ 18-24 giờ … Điều cũng cần lưu ý là phương tiện gây tai nạn trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn là xe môtô (41 vụ), còn lại là ôtô (16 vụ).

Đưa ra những con số nêu trên để thấy rằng nguyên nhân của mọi nguyên nhân vẫn là do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã bất chấp các quy định về ATGT mặc dù từ đầu năm đến nay từ tỉnh đến các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp “mạnh”, vừa gắn tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT đến tận người dân ở khu dân cư, vừa triển khai ký cam kết đến từng hộ không vi phạm các quy định về TTATGT; thực hiện nghiêm túc, thường xuyên việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm… Thế nhưng, ý thức chấp hành và tự giác thực hiện nhìn chung trong số đông người dân vẫn còn hạn chế. Mặt khác, có thể nói trách nhiệm của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo còn thiếu quyết liệt bằng các giải pháp thật sự hiệu quả. Vấn đề cũng cần quan tâm đó là việc tổ chức kiểm điểm đối tượng vi phạm ATGT khi được thông báo về địa phương chưa cương quyết; đồng thời sự tham gia, phối hợp vào cuộc của các đoàn thể chưa chặt chẽ nên chưa tạo thành phong trào mạnh mẽ để góp phần tạo chuyển biến mạnh về nhận thức, ý thức chấp hành trong nhân dân nói chung… Ngoài ra, cũng cần kể đến đối tượng thanh - thiếu niên, học sinh chưa chấp hành tốt trật tự an toàn khi tham gia giao thông, đây cũng chính là tác nhân dẫn đến các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra…

Có thể nói, những thiệt hại do TNGT gây ra đã và đang là mối lo, là vấn đề bức xúc của xã hội và để hạn chế không còn đơn thuần là quyết tâm mà thực sự cần là hành động với các giải pháp đồng bộ mang tính lâu dài và bền vững. Trước mắt, theo chúng tôi, các ngành, địa phương liên quan cần tiếp tục đánh giá đúng mức thực trạng TNGT đã xảy ra để xác định nguyên nhân, qua đó đề ra các giải pháp quyết liệt, khắc phục bằng “3 mũi giáp công”: Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong nhân dân để mỗi người dân không những hiểu để thực hiện mà còn giám sát việc thực hiện. Hai là, tăng cường tuần tra, kiểm soát với mục tiêu có trọng tâm, trọng diểm, thực hiện việc ngăn ngừa, hạn chế… những hành vi vi phạm TTATGT là chính. Ba là, cần xử lý mạnh tay, kiên quyết đối với những trường hợp gây tai nạn chết người, kể cả những trường hợp cố tình vi phạm dẫn đến nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Những vấn đề nêu trên tuy không mới nhưng nếu thiếu quyết tâm và trách nhiệm để thực hiện thì chỉ tiêu kéo giảm tai nạn giao thông của cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng cũng sẽ khó đạt như mong muốn.