TRĂM VIỆC ĐỜI THƯỜNG:

Nghề sửa mũ bảo hiểm

(NTO) Từ khi thị trường mũ bảo hiểm (MBH) phát triển, nhiều loại dịch vụ “ăn theo” cũng xuất hiện khi nhiều người có nhu cầu sửa chữa MBH bị hư hỏng.

Dạo quanh tuyến đường Thống Nhất, Ngô Gia Tự, hay trước cổng chợ Phan Rang, chợ Thanh Sơn (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm)… chúng tôi dễ dàng bắt gặp những điểm sửa MBH. Bên cạnh các dịch vụ sửa chữa như: quần áo, giày dép, may yên nệm xe,… thì nhiều thợ “kiêm” thêm nghề sửa MBH. Các thợ đều nhận sửa chữa hoặc thay mới các bộ phận của MBH, như: quai, chốt khóa, thay lớp ruột… với chi phí khá “mềm”. Thay quai, chốt mũ chỉ có giá từ 8.000-15.000 đồng; thay lưỡi trai có giá từ 10.000-15.000 đồng; thay ruột mũ có giá từ 20.000-25.000 đồng. Chỉ cần vài cái kìm, tua-vít, dao kéo, kim, chỉ đủ cỡ… và một chút khéo léo là có thể hành nghề được. Có lẽ vì thế mà nam hay nữ đều dễ dàng trở thành thợ sửa MBH.

Anh Kiều Anh Hải đang sửa MBH cho khách ở tiệm
trên đường Ngô Gia Tự (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm).

Đã hai năm nay, chị Nguyễn Thị Hải (phường Mỹ Hương, Phan Rang Tháp Chàm) chọn góc vỉa hè ngã tư đường Quang Trung-Thống Nhất làm nơi “hành nghề” sửa MBH. Theo chị, hằng ngày chủ yếu khách vào thay móc khóa, chốt, dây MBH. Mũ đội lâu ngày, lớp đệm phía trong bị rách hoặc cũ quá nên khách cũng có nhu cầu thay thế để tiết kiệm chi phí. Chị cho biết: Ở ngã tư, đông người qua lại nên hằng ngày trung bình có khoảng 4-5 khách đến sửa MBH. Để kiếm thêm thu nhập, ngoài nghề sửa quần áo, tôi “kiêm” luôn sửa MBH. Mỗi ngày ít nhất cũng kiếm được từ 70.000-80.000 đồng. Chị Nguyễn Thị Huệ (phường Tấn Tài, Tp.Phan Rang Tháp Chàm) là khách vừa đến sửa MBH chia sẻ: Năm trước, tôi mua MBH này với giá 220.000 đồng, do không cẩn thận đã làm gãy móc khóa nên phải đi thay. Thay khóa và dây mới chỉ mất khoảng 20.000 đồng, ít tốn hơn nhiều so với mua MBH mới.

Không như chị Hải, anh Kiều Anh Hải mở tiệm chuyên sửa yên, nệm xe máy trên đường Ngô Gia Tự cho biết, gia đình làm nghề bọc yên nệm xe máy từ lâu. Từ năm 2008 thấy nhiều người đến hỏi sửa MBH, nên tôi làm giúp dần dần quen tay, khách đến sửa MBH nhiều hơn. Tuy nhiên, hiện nay người dân ngày càng ý thức được tầm quan trọng của MBH, sử dụng những loại mũ chất lượng tốt, đảm bảo, vì vậy khách đến sửa mũ cũng “vơi” hơn trước. Đa số khách là những người có thu nhập thấp đến sửa lại MBH để tiết kiệm chi phí. Để kiếm thêm thu nhập, anh không chỉ sửa MBH, mà còn mua các phụ kiện cho khách khi có nhu cầu.

Mặc dù là nghề phụ, mới xuất hiện nhưng nghề sửa MBH phù hợp với nhu cầu cuộc sống, góp phần tăng thêm thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, chiếc MBH được coi là “vật bảo hộ” cho người đi đường. Liệu rằng những những chiếc MBH được thay thế hoặc sửa chữa bằng những phụ kiện (chẳng hạn như 4 con ốc gắn quai nón,…) có đảm bảo an toàn cho người sử dụng hay không? Có đúng quy cách hay không? Đây là điều mà người sử dụng MBH cần phải suy nghĩ và am hiểu trước khi quyết định sửa chữa hoặc thay mới MBH cho an toàn.