Dấu ấn: Sự kiện lịch sử trong nước ngày 13-9

* Sự kiện

- Ngày 13-9-1945: Ngày thành lập ngành Tòa án nhân dân Việt Nam. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, Nhà nước Việt Nam đề ra những sách lược nhằm giữ vững chính quyền non trẻ vừa mới thành lập.

- Ngày 13-9-1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra Sắc lệnh số 33C về việc thành lập các Toà án quân sự, đánh dấu sự ra đời của Toà án nhân dân Việt Nam. Từ đó đến nay, ngành toà án nhân dân đã trải qua những bước phát triển khác nhau, phù hợp mục tiêu phát triển xã hội và đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn đặt ra đối với từng giai đoạn lịch sử nhất định.

- Ngày 13-9-1950: Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Sở chỉ huy Chiến dịch Biên giới, trực tiếp đến thị sát mặt trận Đông Khê và chỉ thị: “Dù khó khăn đến đâu cũng kiên quyết khắc phục đánh cho kỳ thắng trận đầu”.

- Ngày 13-9-1951: Báo Nhân dân, số 25, đăng bài “Để thực hiện 10 điều ghi nhớ của Mặt trận Liên Việt”, trong đó, Người chỉ rõ: “10 điều ghi nhớ không phải là những khẩu hiệu để hô cho kêu, dán cho đẹp... Mà muốn cho mọi người làm trọn nhiệm vụ, cán bộ Đảng và chính quyền cần biết lãnh đạo thiết thực và xung phong làm gương mẫu”.

- Ngày 13-9-1958: Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm lớp học Chính trị của giáo viên cấp 2 và 3 toàn miền Bắc, với lời căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng, Chính phủ giao các nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú. Đó là một trách nhiệm nặng nề, nhưng rất vẻ vang”...

- Ngày 13-9-2009: Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ nhất. Đại hội diễn ra tại Cung văn hoá lao động hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội, với sự tham gia của 450 tài năng trẻ.Với khẩu hiệu “Tài năng trẻ Việt Nam kết nối toàn cầu, dựng xây đất nước”, Đại hội là hoạt động quan trọng nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng và triển khai chiến lược nhân tài quốc gia. Đại hội cũng là bước khởi đầu đầu để Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện đổi mới và đẩy mạnh công tác tài năng trẻ trong những năm tới. Đại hội đã ra mắt Hội đồng bảo trợ tài năng trẻ Việt Nam do Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan làm Chủ tịch.

* Nhân vật

- Ngày 13-9-1913: Ngày sinh của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa. Giáo sư Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, quê ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Ông là một trí thức lớn giàu lòng yêu nước, người đặt nền móng cho sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Ông đã chế tạo thành công súng bazôka, súng không giật (SKZ) và đạn bay trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Những loại vũ khí này có sức công phá lớn, đã được quân đội ta sử dụng để tiêu diệt các loại xe tăng, thiết giáp và lô cốt địch. Cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo các vũ khí đó đã cho phép ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996. Giáo sư Trần Đại Nghĩa được Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng trong đợt đầu tiên, và trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng Lao động. Năm 1966 ông được bầu là viện sĩ của Viện hàn lâm khoa học Liên Xô (cũ). Ông mất ngày 9-8-1997.

- Ngày 13-9-1921: Ngày sinh của Thượng tướng, Đô đốc Hải quân đầu tiên Giáp Văn Cương. Thượng tướng, Đô đốc Hải quân Giáp Văn Cương quê tại xã Bảo Đài, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.Cuộc đời binh nghiệp gần 50 năm của ông đã nêu bật tinh thần mưu trí, táo bạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết đánh và biết thắng. Ông là Đô đốc đầu tiên lãnh đạo Quân chủng Hải quân quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Ông được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, 2 Huân chương Quân công hạng Nhất... Ngày 07-5-2010, ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Năm 2009 thành phố Đà Nẵng đặt tên đường Giáp Văn Cương cho một đường phố tại quận Liên Chiểu. Đô đốc Giáp Văn Cương qua đời ngày 23-3-1990. 

Theo TTXVN