Biết rồi… nói mãi!

(NTO) Ông bạn tôi ở gần tuyến kênh thủy lợi và trước nhà là cống đóng, mở nước. Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như anh không trở thành “tình nguyện viên” vệ sinh môi trường.

Đó là nói văn hoa, thực tế việc anh thường làm là vớt rác “tụ” lại ở cống này rồi để dăm ba hôm đốt một lần, góp phần giảm bớt lượng rác đổ xuống kênh chính vừa làm cản dòng chảy vừa gây ô nhiễm cho môi trường thành phố. Anh làm việc này một cách tự giác mà theo cách anh hay nói: - Gọi là tham gia một chút để làm đẹp cho xã hội. Tôi hay đùa: - Nếu ai cũng tự giác như ông thì lấy đâu có rác thải xuống dòng chảy kênh mương để ông… tham gia!. Anh cười hiền: - Thì tôi sẽ làm việc khác như “hô hào” làm vệ sinh quanh xóm. Mà cũng lạ, sao nhiều người có thói quen vứt rác bừa bãi đến thế nhỉ!. Nhiều năm qua tôi vớt hoài không xuể mặc dù đã có bảng cấm hẳn hoi.

Người dân vớt rác trên dòng mương Ông Cố thuộc địa bàn phường Tấn Tài.
Ảnh: Phạm Lâm

Quả thật, câu hỏi ông bạn tôi đặt ra không mới nhưng…lại rất “thời sự”!. Thời đất đai còn rộng, người thưa thì đa phần rác được tự tiêu hủy trong khuôn viên gia đình.

Nay, người đông tất nhiên đất hẹp cộng với đời sống kha khá, quy hoạch dân cư quy cũ hơn, nhiều vùng quê nay đã thành phố xá xênh xang nên không còn chỗ tự tiêu hủy mà phải “thuê” đội vệ sinh dọn dẹp. Ấy vậy mà thói quen xưa không sửa được. Rác thải tại gia gom lại tiện thể đi tập thể dục hay đi làm là mang theo ném luôn xuống kênh mương, bờ ranh, ven đường, thậm chí ngay tại nơi có bảng cấm đổ rác. Từ một túi rác ban đầu sẽ thành bãi rác chỉ trong một hai ngày và cứ thế tiếp diễn. Ý thức người dân đã vậy còn chính quyền cũng… lơ luôn nên đâu vẫn vào đó, mạnh ai nấy vứt rác từ anh nông dân đến ông cán bộ, công chức…

Chuyện thật cứ như đùa rằng: Có không ít lần ông bạn tôi bắt gặp quả tang người vứt rác xuống mương, vừa lấy sào vớt rác vừa nhắc người thiếu ý thức kia. Tưởng đâu là… tốt nào dè bị cự lại với lời lẽ không ra sao: - Ai bảo ông rỗi hơi vớt rác mà chi!. Thế là ông bạn tôi… “cạch” tới già và tâm niệm: làm được thì cứ làm, còn… “mackeno” (mặc kệ nó), không khéo “ ở hiền chưa chắc gặp lành!”.

Bao giờ không còn cảnh rác thải “tự do” ra môi trường? Câu hỏi không mới nhưng tìm hoài chưa có lời giải thỏa đáng. Có người bảo: Biết rồi, khổ lắm, nói… mãi! – Mong sao có “phép màu” từ những chế tài mạnh tay để thay đổi thói quen xấu của những người xem mọi nơi đều là bãi rác trừ… nhà mình!.