Để sản xuất lúa vụ mùa thắng lợi

(NTO) Thời điểm hiện nay, nông dân toàn tỉnh đã thu hoạch gần xong lúa hè- thu. Đây là vụ lúa năng suất ở các xứ đồng có sự chênh lệch nhau khá nhiều. Những khu vực thực hiện mô hình “1 phải, 5 giảm”, gieo sạ đúng theo khung lịch thời vụ năng suất đạt cao, ngược lại những nơi sản xuất theo tập quán truyền thống năng suất thấp.

Đầu tháng 9, về xã Công Hải “cái nôi” thực hiện mô hình “1 phải, 5 giảm” của huyện Thuận Bắc, trên cánh đồng thôn Hiệp Kiết lúa vàng rực trong nắng. Vụ hè-thu năm nay địa phương sản xuất 160 ha lúa theo mô hình “1 phải, 5 giảm”, trong đó hợp đồng với Công ty CP giống cây trồng Đông Nam sản xuất 60 ha lúa giống TH6. Đồng chí Hà Đình Ân, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Ruộng mô hình vừa mới thu hoạch xong, năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha. Bà con rất phấn khởi vì thỏa thuận với công ty bán được giá 5.950 đồng/kg, cao hơn ngoài thị trường 500 đồng/kg.

Xã viên HTX DVNN Trường Thọ sản xuất lúa hè-thu theo mô hình “1 phải, 5 giảm” đạt năng suất cao.

Cùng chung niềm vui với nông dân xã Công Hải, những hộ thực hiện mô hình “1 phải, 5 giảm” ở thôn Trường Sanh, xã Phước Hậu (Ninh Phước) cũng rất phấn chấn bởi có vụ lúa bội thu. Anh Nguyễn Thành Anh, Chủ nhiệm HTX DVNN Trường Thọ, cho biết: Vụ này xã viên liên kết sản xuất 30 ha lúa theo mô hình “1 phải, 5 giảm”. Mặc dù thời tiết đầu vụ không mấy thuận lợi, nhưng nhờ ruộng mô hình áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật nên năng suất cao, bình quân đạt 7,5 tấn/ha. Đáng kể là, HTX liên kết với Trung tâm sản xuất giống cây trồng Nha Hố sản xuất thực nghiệm 1,6 ha giống lúa MT10 năng suất đạt rất cao, 8,5 tấn/ha. Nông dân sản xuất giỏi Lê Văn Kiên, cho biết: Vụ này tôi được HTX chọn làm 6 sào lúa giống MT10, khoảng vài ngày nữa là thu hoạch. Với ưu điểm vượt trợ về năng suất, khả năng chống đổ ngã, nắng nóng, tôi tin giống lúa MT10 là sự lựa chọn số 1 của nhà nông trong tương lai.

Trái ngược với ruộng mô hình, những cánh đồng canh tác theo tập quán truyền thống xuất hiện “lúa ma” với mật độ dày, làm năng suất giảm. Chị Đàng Thị Thi, ở thôn Như Bình, xã Phước Thái (Ninh Phước), cho biết: Gia đình làm 4 sào giống lúa TH6, chưa qua xử lý mầm bệnh. Đầu vụ lúa phát triển tốt, nhưng khi bắt đầu đẻ nhánh “lúa ma” mọc lấn át, làm năng suất giảm khoảng 20%. Không riêng gì ở Ninh Phước, mà nhiều cánh đồng lúa ở Ninh Hải, Ninh Sơn, Thuận Bắc…cũng bị “lúa ma” tấn công. Đồng chí Ngô Sỹ Châu, Trưởng Trạm BVTV huyện Ninh Phước khẳng định: Nguyên nhân “lúa ma” xuất hiện nhiều trong vụ này là do khâu làm đất không kỹ, cộng với bà con sử dụng giống tự để, mua giống trôi nổi ngoài thị trường không được sàng lọc kỹ lưỡng.

Từ thực tế sản xuất vụ hè-thu cho thấy, chỉ có áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” mới đạt năng suất cao, nhưng tỷ lệ diện tích còn thấp. Vụ hè-thu này, toàn tỉnh sản xuất 12.296 ha lúa, trong đó lúa mô hình chiếm khoảng 30%. Theo Phòng Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vụ hè-thu thời tiết nắng hạn nên chỉ có những khu vực chủ động nước mới thực hiện mô hình “1 phải, 5 giảm”. Bên cạnh đó, một bộ phận nông dân còn ảnh hưởng tập quán sản xuất cũ, không đầu tư ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng mô hình.

Hiện nay, cùng với khẩn trương thu hoạch lúa hè-thu, nông dân trên toàn tỉnh đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để đảm bảo sản xuất lúa vụ mùa. Để có một vụ mùa thắng lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo bà con sau khi thu hoạch xong trà lúa hè-thu, tổ chức cày ải phơi đất để cắt mầm bệnh. Việc xuống giống phải đúng theo khung lịch thời vụ, tránh tình trạng trên một xứ đồng tồn tại nhiều trà lúa khác nhau do bố trí lệch vụ. Theo đó, đợt 1 xuống giống từ đầu tháng 9 đến 20 - 9; đợt 2 từ 21-9 đến 5-10. Lường trước những khó khăn của vụ mùa thường có mưa lũ, nên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã vận động bà con nên sử dụng các loại giống từ cấp xác nhận, thích hợp với từng loại đất. Cơ cấu giống lúa đưa vào sản xuất vụ mùa kháng bệnh tốt, ít nhiễm bệnh rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá, ngắn ngày, dễ chăm sóc, năng suất và chất lượng cao. Cụ thể, đối với giống hạt dài: OM 4495, OM 4498, KD 18, VNĐ 95-20, IR 64, OMCS 2000; giống hạt bầu tròn: ML 202, ML 214, TH 41 phục tráng, TH 6.

Dự kiến vụ mùa năm nay toàn tỉnh xuống giống gần 12.000 ha lúa, giảm hơn 500 ha so với vụ hè-thu. Nguyên nhân giảm là ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân không sản xuất ở những vùng trũng. Riêng vùng gần hệ thống sông Quao (Ninh Phước) thường bị ngập khi xuất hiện lũ có thể chuyển qua gieo trồng vụ đông-xuân sớm để tránh những rủi ro do thời tiết gây ra. Những vùng tưới bấp bênh, vùng miền núi cần có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng để đảm bảo có hiệu quả cao hơn.

Đồng chí Nguyễn Tin, Trưởng Phòng Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Kinh nghiệm để sản xuất vụ mùa có hiệu quả, bên cạnh sử dụng giống tốt, gieo sạ mật độ vừa phải (từ 180 kg đến 200 kg giống/ha), đúng khung lịch thời vụ, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, kiểm tra các công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương, khai thông dòng chảy tránh ngập úng khi có mưa lớn. Hướng dẫn nông dân thực hiện tốt quy trình kỹ thuật thâm canh, bón đúng, bón đủ lượng, bón cân đối các loại phân. Sử dụng lượng phân bón phù hợp với từng chân đất, từng giống lúa, tăng cường kali, giảm đạm để tăng độ cứng thân cây, chống đổ. Tùy vào điều kiện cụ thể, giai đoạn phát triển của lúa, có thể dùng phân vi lượng, phân bón qua lá và các chế phẩm sinh học để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cây lúa.