Kết quả bước đầu mô hình "Nhất thể hóa" ở đảng bộ xã Phước Thuận

(NTO) Tính đến nay, xã Phước Thuận (Ninh Phước) đã có trên 5 năm được Tỉnh ủy chọn và chỉ đạo thí điểm mô hình “nhất thể hóa” chức danh Bí thư cấp ủy, đồng thời là Chủ tịch UBND. Tuy mô hình chưa tổng kết, song qua thời gian triển khai thực hiện, bước đầu đã cho thấy có sự chuyển biến đáng ghi nhận trong lãnh đạo, điều hành của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, tạo được tác động tích cực cho công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ).

Đảng bộ xã Phước Thuận hiện có 184 đảng viên (ĐV) sinh hoạt ở 16 chi bộ trực thuộc, bao gồm 7 chi bộ thôn, 7 chi bộ trường học (1 trường THCS, 5 trường tiểu học, 1 trường mẫu giáo), 1 chi bộ cơ quan và 1 chi bộ Quân sự.

 

Mô hình nông dân lao động sản xuất giỏi gắn với sản xuất nho sạch VietGAP
tại thôn Hiệp Hòa (Phước Thuận).

Đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã cho biết: “Qua thực hiện mô hình “nhất thể hóa” , mặt thuận lợi mà cán bộ, ĐV đều nhận thấy là trước hết bộ máy lãnh đạo, điều hành giảm bớt cồng kềnh, việc ra Nghị quyết (NQ) và tổ chức thực hiện NQ, thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền đồng bộ, thống nhất và kịp thời hơn”. Cũng theo đồng chí Nguyễn Đức Thuận, để tránh tình trạng lẫn lộn về trách nhiệm Bí thư, Chủ tịch, Phước Thuận đã xây dựng quy chế hoạt động của Đảng ủy và UBND xã, xác lập rõ mối quan hệ làm việc của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ với chính quyền và các đoàn thể, phân công giao nhiệm vụ thêm cho các cấp phó trong Đảng ủy, chính quyền và tăng cường trách nhiệm của các cán bộ trong hệ thống chính trị của xã. Qua quy chế này, công việc lãnh đạo, điều hành với vai trò cá nhân khi là Bí thư, lúc trong vai Chủ tịch đã nhịp nhàng, tách bạch hẳn, đặc biệt đã giúp khâu kiểm tra, giám sát của cấp ủy đối với chính quyền sâu sát, chặt chẽ hơn.

Từ công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, Phước Thuận đã có tiền đề thuận lợi cho việc triển khai thực hiện NQ Trung ương 4 (khóa XI):”Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Do giữ vai trò chủ chốt, biết được điểm yếu trong hoạt động của Đảng ủy, UBND xã, đồng chí Bí thư linh động hơn trong việc tháo gỡ, giải quyết vấn đề tồn tại, tập trung xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay bộ máy của cấp ủy, Ban Thường vụ, các chức danh chủ chốt trong hệ thống chính trị ở xã Phước Thuận đều được kiện toàn, bảo đảm đủ số lượng và chất lượng. Trong tổng số chi bộ trực thuộc của Đảng bộ xã, đã có 11 chi bộ có chi ủy, đây là yếu tố giúp cho công tác quy hoạch dự nguồn các chức danh chủ chốt đạt kết quả, căn cứ vào đó cấp ủy xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ sát hợp thực tiễn. Đến Phước Thuận vào thời điểm này, có thể nhận ra điểm nổi bật qua thực hiện NQ Trung ương 4 (khóa XI) là hệ thống chính trị địa phương có 100% cán bộ, công chức đạt chuẩn và 98% cán bộ không chuyên trách đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó trên các lĩnh vực hoạt động của địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình như: 8 tộc họ tự quản về an ninh trật tự ở thôn Phú Nhuận, 7 đội thanh niên an ninh xung kích ở 7 thôn, câu lạc bộ Phụ nữ không có con em vi phạm pháp luật của xã và 6 nhóm nông dân lao động sản xuất giỏi gắn với sản xuất nho sạch VietGAP.

Thành tựu trên đã phản ảnh tính hiệu quả của mô hình “nhất thể hóa” chức danh Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch UBND, góp phần thúc đẩy công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác phát triển ĐV mới ở địa bàn dân cư. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, trong kế hoạch phát triển 10 ĐV mới, Đảng bộ xã Phước Thuận đã kết nạp 9 ĐV, trong đó có 8 ĐV kết nạp trên địa bàn dân cư và dự kiến trong tháng 9 kết nạp thêm 3 ĐV. Nhờ tăng dần tỷ lệ ĐV kết nạp tại chỗ, nếu trước đây có 6 chi bộ thôn phải tăng cường cán bộ đương chức cấp xã về tham gia sinh hoạt và đảm nhiệm cương vị Bí thư chi bộ, nay chỉ còn 3 chi bộ thôn.

Theo ghi nhận của chúng tôi, qua thực hiện thí điểm “nhất thể hóa”ở Phước Thuận cho thấy tính chủ động, sáng tạo và tự chịu trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu đang tạo ra nét mới trong việc nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở cơ sở. Tuy nhiên để người đảm nhiệm cương vị Bí thư , đồng thời Chủ tịch phát huy năng lực, sắp xếp công việc khoa học, hợp lý và dồn sức cho công việc, rất cần có chính sách hỗ trợ tương xứng với sự cống hiến. Đây cũng chính là một trong những yếu tố góp phần cho mô hình “nhất thể hóa” đạt được kết quả thành công.