Vững vàng bám biển, canh trời nơi đầu sóng

(NTO) Sau gần nửa tháng hành trình và chờ đợi trong niềm háo hức khó tả, Tàu HQ697 đã đưa chúng tôi từ Quân cảng Cam Ranh đến quần đảo Trường Sa. Xúc động trong niềm tự hào, lần đầu tiên chúng tôi được đặt chân lên vùng đất chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc-đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa.

Cùng với lãnh đạo Ban chỉ huy đảo, ra đón đoàn chúng tôi là anh Võ Thanh Hải, Trưởng trạm Khí tượng Hải văn Song Tử Tây. Những cái bắt tay rất chặt chứa đầy hơi ấm và sự nồng hậu của những người lính đảo. Bao mệt nhọc của hải trình đặc biệt dài giữa trùng khơi đã biến mất, để lại trong tôi cảm xúc bồi hồi…

Tới cổng Trạm Khí tượng Hải văn Song Tử Tây, thật bất ngờ vì sự quy củ về trật tự nội vụ và môi trường xanh-sạch-đẹp của một đơn vị; phòng làm việc, phòng ở, vườn quan trắc gọn gàng ngăn nắp. Anh Hải cho biết: Trạm mình là một đơn vị dân sự đóng trên đảo, ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ chuyên ngành, thì việc tuân thủ theo những quy định của Ban chỉ huy đảo cũng là một nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Trạm Khí tượng Hải văn Song Tử Tây trực thuộc Đài KTTV khu vực Nam Trung Bộ, đựợc thành lập vào tháng 6-1988. Trạm có nhiệm vụ: Quan trắc các yếu tố khí tượng hải văn mỗi ngày bốn lần vào các giờ quy định quốc tế; trạm phát báo chuyển số liệu về Đài khu vực để tổng hợp và truyền về Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương; hàng tháng trạm lập các loại báo cáo, báo biểu BKT gửi về Đài khu vực theo tàu hải quân.

Vừa trực tiếp nghiên cứu và thực hiện công tác dự báo KTTV, vừa có mặt trên hải trình dài ngày trên biển, mới hiểu được cặn kẽ thế nào là hiện tượng thời tiết nguy hiểm trên biển, gió cấp mấy thì sóng thế nào và tác động tới con tàu ở mức độ ra sao? Để có được những bản tin cảnh báo, dự báo chính xác thì điều kiện cần là số liệu quan trắc thực đo của những trạm trên các đảo đang ngày đêm vững vàng bám biển canh trời, như những nhà “tình báo” trên mặt trận phòng tránh thiên tai.

Những đồng nghiệp thân yêu của chúng tôi, nơi đây trong mái nhà chung Khí tượng Hải văn Song Tử Tây có anh Hải, bạn Duy và em Hà đang cần mẫn như những chú ong thợ xây đắp nên sự thành công của ngành KTTV trong công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, cũng như sự nghiệp nghiên cứu về biển, đảo của Nhà nước. Và sự góp mặt của các đồng nghiệp nơi đây góp phần khẳng định và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.