Cuộc chiến đấu khổng lồ để xóa đi những gì cũ kỹ

Xây dựng nền tảng đạo đức, văn hóa, tinh thần của xã hội là công việc rất lớn lao. Khi viết Di chúc, Bác Hồ đã dạy “đây là cuộc chiến đấu khổng lồ để xóa đi những gì cũ kỹ, hư hỏng, để xây dựng những cái mới mẻ, tốt tươi”.

Xây dựng nền tảng đạo đức, văn hóa, tinh thần của xã hội là công việc rất lớn lao. Khi viết Di chúc, Bác Hồ đã dạy “đây là cuộc chiến đấu khổng lồ để xóa đi những gì cũ kỹ, hư hỏng, để xây dựng những cái mới mẻ, tốt tươi”. Đảng phải dựa vào dân để thực hiện. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là để thực hiện lời căn dặn của Bác trong Di chúc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng về đạo đức, là nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Điều đó đã được Đảng ta khẳng định từ rất sớm. Tại Đại hội lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương (1951), Đảng ta đã khẳng định đạo đức Hồ Chí Minh và yêu cầu toàn Đảng học tập và làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bước vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Nghị quyết Đại hội VI viết: “Mỗi người cộng sản chúng ta cần phải suốt đời học tập, noi gương đạo đức, tác phong của Bác Hồ, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, ghi nhớ và làm theo lời dạy của Người, nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, xứng đáng là người lãnh đạo và người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Đại hội lần thứ VII Đảng Cộng sản Việt Nam (1991) đã khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng của Đảng. Nghị quyết Đại hội IX (2001) đã nêu rõ nguồn gốc và 9 nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngày 27/3/2008, Ban Bí thư, khóa IX ban hành Chỉ thị 23-CT/TW về tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, gồm 10 chuyên đề, trong đó có chuyên đề về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.

Nội dung chuyên đề đã khẳng định: Tư tưởng Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam, kết hợp với sự tiếp thu, chắt lọc những tinh hoa văn hóa, đạo đức của nhân loại, cả phương Đông và phương Tây; đặc biệt là tư tưởng đạo đức cộng sản, đạo đức tiên tiến nhất của thời đại.

Bộ Chính trị khóa X đã ban hành Chỉ thị 06-CT/TW ngày 7/11/2006 về “Tổ chức Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Kết quả 4 năm thực hiện Cuộc vận động đã khẳng định việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là rất quan trọng và cần thiết, chẳng những đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt mà còn có ý nghĩa cơ bản, lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng là: “Đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng”, Bộ Chính trị khóa XI ban hành Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14/5/2011 về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Cho đến nay, việc thực hiện Chỉ thị được cấp ủy các cấp quan tâm, đẩy mạnh, dần đi vào nền nếp, gắn với nhiệm vụ chính trị, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, công tác đối ngoại, bảo đảm quốc phòng-an ninh.

Nhiều điển hình tiên tiến, cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả đã xuất hiện ở tất cả các ngành, địa phương, gắn với các phong trào quần chúng ở cơ sở, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới.

Kết quả nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, đã thể hiện cụ thể bằng những chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong việc giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc nổi cộm, gây bức xúc, khiếu kiện kéo dài ở bộ, ngành, địa phương, cơ sở.

Những kết quả nêu trên đã khẳng định sự cần thiết của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Đó là công việc lâu dài để xây dựng nền tảng đạo đức, văn hóa, tinh thần cho xã hội, đồng thời là giải pháp quan trọng khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống hiện nay.

Nguồn chinhphu.vn