Nghề giúp việc nhà

(NTO) Xã hội ngày càng phát triển, người phụ nữ rất cần có thời gian để tập trung cho công việc và nâng cao chất lượng cuộc sống. Chính vì vậy nhu cầu người giúp việc nhà ngày càng cao. Giúp việc nhà có thể theo ngày, giờ và công việc mà họ đảm nhiệm cũng ngày một phong phú, đa dạng hơn.

Sự cách biệt giữa chủ nhà và người giúp việc hiện nay đã hoàn toàn khác trước. Giữa họ đã không còn khoảng cách. Khi giúp việc cho một gia đình nào đó, người giúp việc đa phần có thói quen tạo ấn tượng tốt để có thể làm việc lâu dài.

Ảnh minh họa.

Chị D. giúp việc cho gia đình tôi hơn 15 năm qua. Ngày tôi sinh con thứ hai, chị đã chăm sóc cho đến bây giờ. Tôi rất tin tưởng vào tính thật thà, siêng năng của chị và xem chị như người nhà. Đáp lại tình cảm của chúng tôi, chị làm việc chăm chút như cho chính gia đình của mình. Chị quán xuyến mọi công việc từ đi chợ, nấu ăn, giặt giũ….   Nhờ vậy mà tôi hoàn toàn yên tâm mỗi khi đi công tác.

Chị H., hàng xóm của tôi lại không may mắn. Chị phải vất vả không biết bao nhiêu lần để tìm được một người giúp việc vừa ý nhưng không bao lâu họ lại nghỉ làm. Chị phải chọn giải pháp thuê người giúp việc theo giờ. Ðây cũng là nhu cầu thực tế của một số gia đình công chức, buôn bán... Mức lương trung bình đối với người giúp việc nhà thường xuyên là 2.500.000 – 3.000.000 đồng/tháng, nếu làm theo giờ từ 20.000 - 25.000 đồng/giờ, ngoài ra chủ nhà cũng hay thưởng thêm nếu làm vừa ý. Một số chủ nhà thuê người giúp việc nhà theo giờ chia sẻ nên thuê người quen để tiện sắp xếp, giao việc và cần phải có sự thỏa thuận cụ thể về tiền lương, công việc. Cũng có trường hợp chủ nhà trả lương chưa tương xứng với sức lao động mà người giúp việc nhà bỏ ra, ngược lại không ít người giúp việc lợi dụng đòi hỏi chủ nhà nhiều điều vô lý. Có lúc người giúp việc còn lợi dụng sự tin tưởng của chủ nhà nảy sinh lòng tham. 

Nghề giúp việc nhà lâu nay tuy phát triển nhưng hoàn toàn tự phát, nhiều người giúp việc làm việc theo thoả thuận miệng. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 27/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về giúp việc gia đình. Theo đó, người sử dụng lao động và người giúp việc gia đình phải kí kết hợp đồng lao động. Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho người giúp việc gia đình … Vấn đề khó nhất là giám sát việc thực hiện quy định này.

Người giúp việc muốn được pháp luật bảo vệ cần phải thấy rõ công việc mình làm là một nghề, phải làm việc đúng với khả năng của mình, không nên thích thì làm, không thích thì nghỉ. Bản thân người giúp việc cũng cần phải hiểu rằng, không thể có quyền lợi khi chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Về phía chủ nhà, bên cạnh việc thực hiện đúng pháp luật, cần phải có sự thông cảm, chia sẻ và tôn trọng người giúp việc để tạo một môi trường làm việc thân thiện, lâu bền.