TRUYỆN NGẮN:

Ước mơ của em

Chiếc xe đò già nua thả Đông Chiêu bên đường, phì phò thở ra làn khói xám đen, nặng nề bò lên dốc cao.

Đông Chiêu mang xách lên vai, nhìn lần nữa chiếc xe chậm chạp xa dần, tiến về phía đám mây trắng xốp neo bên trên thân cành xương xẩu của một gốc cổ thụ lác đác những chiếc lá bằng nắm tay. Mỗi lần về thăm nhà, lẫn trong nỗi vui rộn ràng được gặp lại ba má và các em, cảnh vật làng quê thanh bình và cô tịch lúc chiều tà, bao giờ cũng khiến Đông Chiêu nôn nao, gợn chút buồn xa vắng không duyên cớ.

Đông Chiêu giẫm lên lớp đất bụi tơi tả, theo đường mòn xe bò vắt ngang cánh đồng. Đi như thế, dù nhắm mắt lại, Đông Chiêu vẫn mường tượng được mỗi ngã rẽ, mỗi vũng nước mà đàn bò, đàn dê vẫn uống dù đã khô khốc sau mấy tháng nắng. Đông Chiêu ngồi nghỉ ở đầu dốc cây trâm, sau khi vượt hơn hai cây số từ quốc lộ. Dưới bóng cây trâm mọc hoang um tùm này, Đông Chiêu và các bạn mục đồng vẫn tụ tập vào những trưa đứng gió, chơi đánh chuyền, nhảy lò cò hay nằm lim dim nghe tiếng hót của con chào mào lửa. Đã cuối giêng, Đông Chiêu căng mắt nhìn, tuy chỉ thấy một vùng tối sẫm, nhưng em biết trên thân cành rậm rạp kia, những trái trâm đã chi chít tượng hình. Vị chua chua, ngọt ngọt như được nắng nung cô đặc, khi vỏ ngoài trái trâm căng bóng tím thẫm, lũ trẻ sẽ được thưởng thức một món quà quê. Một mùa xuân sắp về, vắng mặt Đông Chiêu khều trái cùng bạn, vì em đã lên tỉnh theo học trường Trung học dân tộc nội trú hơn hai năm nay.

Đông Chiêu nhớ lại những ngày đầu em vào học lớp sáu trường nội trú. Tốt nghiệp cấp 1, em nghỉ học hai năm, tay quen cầm roi quất đàn dê chăn thuê, khi cầm lại cây viết cứ ngượng nghịu, con chữ cứ rối ra rối rắm bò ngoằn ngoèo như con giun trườn trên trang giấy. Nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ và các em cứ làm Đông Chiêu thờ thẫn như người bị bắt mất hồn. Cũng chính nơi gốc trâm này, lần đó Đông Chiêu đã nằm bất tỉnh, sau khi vượt hơn ba mươi cây số với cái bụng rỗng không: em trốn học, cắt rừng lội bộ về hướng quê nhà.

Xa xa, những ngọn đèn đỏ quạch thoáng ẩn thoáng hiện. Trong gió thoảng qua, Đông Chiêu cảm nhận được mùi nồng nồng của quê nhà. Đông Chiêu vụt nhảy chân sáo, em biết giờ này ba má và hai em đang ngồi quanh nồi cơm thơm khói.

***

Đông Chiêu thức giấc, bỡ ngỡ nhưng rồi em nhớ ra mình đang ở nhà. Trời đã sáng tỏ, những âm thanh thân thuộc ùa về khiến em lơ mơ lắng nghe, chưa muốn rời giường. Những âm thanh bắt đầu một ngày mới của làng: tiếng đàn bò nện thậm thịch, tiếng chân dê nhảy cỡn, tiếng người í ới gọi nhau đi rẫy, tiếng soàn soạt lưỡi dao dài bén ngót thái chuối.

Đang thái rau heo, thấy Đông Chiêu bước ra sân, má dừng tay, cười:

- Con gái tôi ngủ ngon quá!

Đông Chiêu ngượng nghịu. Trước kia ở nhà, bao giờ Đông Chiêu cũng thức giấc cùng lúc với má, để chuẩn bị cơm nước cho cả nhà rồi lùa đàn dê đi ăn xa.

- Ba và hai em đâu rồi hả má?

- Hai đứa nó theo ba dắt bò lên rẫy rồi.

- Bò nào?

- Bò nhà mình chớ bò nào!

Má cười lớn, bày ra hai hàm răng trống nhiều chiếc.

- Nhà ta được giữ một con bò cái, khi nào bò đẻ thì hưởng con, giao bò mẹ cho nhà khác nuôi.

Má Đông Chiêu giải thích.

Làng Chăm của Đông Chiêu còn nhiều nhà nghèo lắm, hầu hết làm ruộng một vụ, còn đất nương rẫy khô cằn chỉ trồng được các loại mì, lang. Con bò cái mà nhà Đông Chiêu được chăm sóc là kết quả của chương trình xóa đói giảm nghèo của Nhà nước đối với các làng bản người dân tộc ở vùng cao, vùng sâu.

Đông Chiêu múc cháo vừa chín, trộn với xô rau đầy. Bắt mùi cháo chín thơm phức, con nái tơ gác hai chân lên thành chuồng, miệng sủi bọt trắng.

- Heo chừng nào đẻ, hả má?

- Còn non hai tháng nữa.

Chờ cháo nguội, Đông Chiêu đổ cháo vào máng ăn. Con nái táp một loáng đã sạch trơn, còn liếm láp thèm thuồng. Đông Chiêu kéo một gàu nước giếng đổ vào máng uống.

- Má biết làm mụ đỡ không?

- Cán bộ phụ nữ dạy kỹ lắm, tao sẽ làm được thôi!

Xưa nay, nhiều làng nuôi heo nái, dưỡng heo con để bán, mà lạ, người làng Đông Chiêu không ai nuôi nái. Họ cho rằng nuôi nái bán con là tội lỗi nên chỉ mua heo giống của các làng bên về nuôi. Vì nuôi thả rong nên đàn heo ủi phá và thải phân khắp đường đi lối lại trong làng. Năm ngoái, một trận dịch bệnh làm heo cả làng chết không còn một con. Gia đình Đông chiêu cũng mất một con heo năm mươi ký.

Sau trận dịch, bà con được cán bộ Hội phụ nữ hướng dẫn và giúp vay vốn làm chuồng, không nuôi heo thả rong nữa. Họ còn được khuyến khích nuôi heo nái. Má Đông Chiêu là một trong vài người đi đầu nuôi heo nái, con giống được vay không trả lãi.

Mặt trời đã lên ngang cây me đầu ngõ. Bao giờ Đông Chiêu về thăm nhà, má cũng làm món ăn ngon. Sáng nay, má làm thịt mấy con chim cu cườm ba bẫy được.

Đông Chiêu cời than lò nấu cháo, thui sơ lông măng mấy con cu cườm. Mùa này, thịt cu không béo lắm nhưng rô ti vẫn ngon. Đông Chiêu đã nghe các tuyến tiêu hóa hoạt động.

Má âu yếm nhìn em:

- Con gái tôi ráng học cho bằng bạn bằng bè, mai sau làm cô giáo với người ta này…

Đông Chiêu nũng nịu sà vào lòng má:

- Con không làm cô giáo đâu, con học chữa bệnh cho heo thôi! Con sẽ làm thú y….

Má nâng mặt em lên, ngạc nhiên nhìn em dò hỏi nhưng Đông Chiêu không giải thích. Đông Chiêu áp mặt vào ngực má, nhớ tới hình ảnh má em ngồi khóc rưng rức bên xác con heo cạnh cửa chuồng năm ngoái.