Tranh luận điều kiện miễn, giảm thi hành án dân sự

Chiều 12/8, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự.

 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết: Còn 6 vấn đề lớn đang có ý kiến khác nhau: Về̀ đơn yêu cầu thi hành án; thẩm quyền ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành; về xác minh điều kiện thi hành án; miễn, giảm các khoản thu cho ngân sách nhà nước; về thi hành án khi có thay đổi giá trị tài sản tại thời điểm thi hành án (Điều 59) và về thẩm quyền áp dụng biện pháp kê biên tài sản (Điều 87a); thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm.

Trong đó, nội dung miễn, giảm các khoản thu cho ngân sách nhà nước là vấn đề được các thành viên UBTVQH thảo luận sôi nổi.

Qui định chặt chẽ điều kiện miễn giảm thi hành án dân sự (THADS)

Theo Thường trực Ủy ban Tư pháp, việc xử lý số lượng án tồn đọng nhiều năm về khoản thu nộp ngân sách nhà nước là một thực tế cần được xem xét, giải quyết. Theo đó, việc duy trì cơ chế xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước là cần thiết. Tuy nhiên, quy định về miễn, giảm phải bảo đảm các điều kiện phù hợp với chính sách hình sự và các nguyên tắc quy định của Bộ luật Hình sự, Luật Thi hành án hình sự. Do vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Tư pháp đề nghị chỉnh lý theo hướng: Bỏ quy định xét miễn, giảm đối với trường hợp không xác định được nơi cư trú hoặc không xác định được tài sản của người phải thi hành án; không áp dụng xét miễn, giảm thi hành án khoản thu nộp ngân sách nhà nước đối với người bị kết án về các tội phạm tham nhũng và các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; tuân thủ nguyên tắc người bị kết án đã chấp hành được một phần nghĩa vụ thi hành án; xác định rõ diện đối tượng được miễn thi hành án vì các lý do nhân đạo theo các điều kiện cụ thể.

Là người đầu tiên phát biểu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu bày tỏ băn khoăn với cách quy định các đối tượng được miễn giảm như trong dự luật. Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu đề nghị: Dự luật cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn để tránh bị lợi dụng, thất thoát tài sản.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Tống Anh Hào bày tỏ, đồng tình với dự thảo về việc miễn, giảm các khoản thu cho ngân sách nhà nước, bởi qua thực tiễn thi hành án vừa qua, có một số trường hợp không còn khả năng thi hành án. Ông cũng nhấn mạnh, “việc miễn giảm phải kèm theo hai điều kiện: Số tiền đó phải có quy mô vừa phải; người đó không còn điều kiện thi hành. Còn với các lí do khác thì không nên”

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh: Nguyên tắc “ngân sách nhà nước dù một đồng, một xu cũng phải tôn trọng, phải được bảo vệ”. Ông cũng nhắc lại, thực tế, nhiều lần Bộ Tư pháp, Chính phủ đã trình vấn đề này nhưng UBTVQH không đồng ý. Theo ông Phan Trung Lý, chỉ nên miễn giảm đối với một số trường hợp đã thi hành án mà chỉ còn lại một khoản và không còn tài sản thì mới miễn giảm. “Dự luật liệt kê một trang bổ sung thêm nhiều điều kiện để miễn giảm nhiều hơn, thời hạn ít hơn, không công bằng hơn trong thi hành án thì tôi không đồng ý” – Chủ nhiệm Phan Trung Lý thẳng thắn.

Ngay sau phát biểu của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã giải thích: Chính phủ đã xây dựng rất công phu đề án để xin Quốc hội miễn, giảm thi hành án dân sự đối với những vụ việc quá cũ, quá lạc hậu. Ví dụ, với những người nghiện hút đã không có tiền rồi mà lại bị phạt thì có lẽ mãi mãi không thi hành được. Mặt khác, Bộ trưởng cho rằng, với những người bị thiên tai lũ lụt, không còn tài sản, cả nước phải cưu mang mà nói không được miễn, giảm thì... khó”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết: Sẽ tiếp thu ý kiến Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu để quy định chặt chẽ hơn, tránh bị lợi dụng.

Chưa hài lòng với phần giải thích của Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Chủ nhiệm Phan Trung Lý tiếp tục phát biểu: “Không phải do pháp luật ta cũ, mà do thi hành, do tổ chức thực hiện. Khi ra bản án, Tòa án đã xem xét kỹ lưỡng rồi, còn người bị lũ lụt chỉ là một trường hợp, nên cần phải xem kỹ các trường hợp khác”.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Việc miễn, giảm thi hành án dân sự cần bám theo nguyên tắc không thể thi hành được. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, “Tòa án đã xử là phải khả thi, chứ vừa đưa bản án mà bên thi hành án đã bảo không khả thi rồi thì không nên”.

Liệu có thêm một thủ tục hành chính?

Ngoài nội dung trên, các thành viên UBTVQH cũng cho ý kiến về thẩm quyền ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành. Do còn nhiều ý kiến khác nhau khi thảo luận tại Kỳ họp Quốc hội thứ 7 vừa qua, cơ quan thẩm tra đã đưa ra 2 phương án đề xin ý kiến UBTVQH: Phương án 1: Quy định Tòa án ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành; trên cơ sở đó, cơ quan THADS ra các quyết định cụ thể để tổ chức thi hành (đương sự không phải làm đơn yêu cầu thi hành án); Phương án 2: Giữ quy định về Cơ quan THADS ra quyết định thi hành án như hiện hành.

Theo Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Tống Anh Hào, Điều 106 của Hiến pháp đã quy định rõ: Bản án có hiệu lực thì các cơ quan hữu quan phải có trách nhiệm thi hành. Vì vậy, ông Tống Anh Hào đề nghị: Làm rõ việc tòa án ra quyết định thi hành án rồi cơ quan thi hành án lại ra quyết định thì có cần hay không, hay chỉ là thêm một thủ tục hành chính?

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng cho rằng: Hiến pháp đã quy định rõ, bây giờ lại thêm một khâu phải có quyết định, giao cho tòa án là không cần thiết. “Sửa đổi Luật này phải làm pháp luật nghiêm hơn, hiệu quả thi hành pháp luật phải cao hơn, bảo đảm khách quan, chính xác công bằng hơn chứ không nên có những quy định không phù hợp, không nên thêm thủ tục hành chính trong việc này” – Chủ nhiệm Phan Trung Lý bày tỏ./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam