Trồng măng tây theo hướng VietGAP

(NTO) Măng tây là đối tượng cây trồng mới được đưa vào canh tác ở tỉnh ta cách đây 5 năm. Ban đầu chỉ có một số hộ ở phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) trồng thử nghiệm, sau đó phát triển ra các huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Ninh Hải…

Qua thực tế sản xuất, cây măng tây phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở tỉnh ta. Hộ trồng 1 ha cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, thời gian thu hoạch liên tục từ 7 đến 8 năm. Mặc dù hiệu quả kinh tế cao, nhưng hoạt động sản xuất rau măng tây còn phân tán, nhỏ lẻ. Toàn tỉnh hiện có hơn 17 ha măng tây, tập trung chủ yếu ở huyện Ninh Phước, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Hạn chế nhất trong sản xuất rau măng tây là hộ trồng sử dụng phân bón và phòng trừ dịch hại chưa tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”. Sản phẩm làm ra chất lượng không đồng đều, giá cả bấp bênh, phụ thuộc hoàn toàn vào các doanh nghiệp thu mua.

Nông dân phường Văn Hải trồng măng tây theo hướng VietGAP
mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Để góp phần làm đa dạng hóa cây trồng, tăng thêm thu nhập cho nông dân, tháng 4-2012, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai mô hình thử nghiệm “Trồng rau măng tây theo hướng VietGAP”. Tham gia mô hình có 8 hộ ở các phường Văn Hải, Phước Mỹ (Phan Rang - Tháp Chàm), xã An Hải (Ninh Phước) với tổng diện tích 6.000m2. Xác định ý nghĩa của việc thực hiện mô hình có hiệu quả sẽ khuyến khích nông dân sản xuất trên quy mô lớn, theo hướng bền vững, nên Hội Nông dân tập trung làm tốt công tác chuẩn bị từ chọn hộ thực hiện mô hình có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, đến chọn các vùng đất đủ điều kiện trồng rau sạch. Để giúp nông dân nắm vững quy trình kỹ thuật, ngay đầu vụ, Chi cục BVTV đã mở các lớp tập huấn chuyên đề về kỹ thuật canh tác, quản lý dịch hại, sử dụng thuốc BVTV ít độc hại, tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”. Anh Hồ Minh Trung (ở thôn Nam Cương, xã An Hải, Ninh Phước) tham gia mô hình, cho biết: Qua dự các lớp tập huấn, mình biết cách bón phân cân đối và hợp lý cho từng giai đoạn sinh trưởng, chú trọng bón lót phân trùn quế, phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ vi sinh; đồng thời, nhận dạng được sâu bệnh và các biện pháp quản lý sâu bệnh tổng hợp…

Nhờ các hộ tuân thủ quy trình kỹ thuật, nên cây măng tây phát triển tốt, sau 1 năm cho thu hoạch. Theo đánh giá của những người làm chuyên môn, rau măng tây sản xuất theo hướng VietGAP giàu chất dinh dưỡng, đáp ứng được yêu cầu của những khách hàng khó tính. Năng suất ruộng mô hình đạt từ 22 tấn đến 25 tấn/năm, không có sự chênh lệch so với ruộng đối chứng, nhưng chi phí thấp nên hiệu quả kinh tế cao hơn. Ruộng mô hình có lãi đạt bình quân 230 triệu đồng/ha/năm, cao hơn ruộng đối chứng 28 triệu đồng. Đáng chú ý là, nhờ sản xuất theo quy trình sạch nên sản phẩm rau măng tây thương lái ưu tiên chọn mua, "đầu ra" ổn định. Anh Nguyễn Ngọc Trương (ở khu phố 11, phường Văn Hải, Phan Rang-Tháp Chàm) cho biết: Trước đây tôi trồng rau măng tây theo tập quán truyền thống nên đối diện với nhiều rủi ro, nhất là giá cả lên xuống thất thường. Mặc dù được Công ty Việt Hoa Mỹ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nhưng họ đưa ra tiêu chuẩn rất khắt khe, loại rau măng tây không đạt kích thước, chất lượng rất dễ bị loại. Rau măng tây sản xuất theo mô hình VietGAP đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bán được giá cao, lên tới 60.000 đồng/kg.

Kỹ sư Nguyễn Lê, Chi cục phó Chi cục BVTV, Chủ nhiệm mô hình, cho biết: Kết quả đạt được của mô hình chỉ mới dừng lại ở mức độ trình diễn. Để thực hiện mục tiêu trồng rau măng tây theo hướng VietGAP trên quy mô lớn cần có chính sách hỗ trợ nông dân; đồng thời, đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.