Khác biệt và chuyên nghiệp, đại học tư thục sẽ phát triển

Trong thời gian tới, sẽ có nhiều trường đại học quốc tế vào Việt Nam, nếu không có những đổi mới trong cơ chế quản lý và đào tạo thì nhiều trường ĐH tư thục sẽ khó tồn tại.

Tại phiên thảo luận ngày 1/8 trong hội thảo “Đổi mới giáo dục Việt Nam: Thảo luận về cải cách giáo dục đại học” do Tổng Lãnh sự quán Hoa kỳ tổ chức tại TPHCM, TS Đàm Quang Minh cho biết, hiện nay tỷ lệ trường tư trên tổng số trường ĐH ở Việt Nam là 19%, trong khi ở các nước như Hàn Quốc là 87%, Nhật Bản 86%, Đài Loan 66%, Malaysia 39%... cho thấy trường ĐH tư ở Việt Nam chưa phát triển mạnh.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Tỷ lệ sinh viên tại các trường ĐH tư ở Việt Nam rất thấp, chiếm 14% trong tổng số sinh viên ĐH. Đó là chưa kể đến đầu vào tuyển sinh của các trường còn thấp về nhiều tiêu chí so với các trường công, cũng như chất lượng đào tạo chưa thực sự nâng cao trong thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, do không được đầu tư từ ban đầu nên nhiều trường thiếu cơ sở vật chất như trường, lớp, phòng học, phòng thí nghiệm, đội ngũ giảng viên giỏi…

Ngoài ra, còn nhiều rào cản làm hạn chế quá trình phát triển về số và chất lượng của trường ĐH tư thục như chưa có sự rõ ràng về sở hữu (tính lợi nhuận, phi lợi nhuận), hội đồng quản trị hoạt động không đại diện cho cổ đông góp vốn, trích 25% lợi nhuận vào tài sản chung…

Đặc biệt, trong giai đoạn vừa qua, nhiều trường ĐH tư thục đang đứng trước nguy cơ sụp đổ bởi không thể tuyển sinh. Số thi sinh nhập học đang ngày càng thấp so với chỉ tiêu đề ra. Cụ thể năm 2013 số nhập học ĐH-CĐ là 498.732/616.390 chỉ tiêu.

Vì vậy, theo TS. Đàm Quang Minh để vận hành thành công cho hệ thống ĐH tư thục Việt Nam, cần xây dựng 2 yếu tố quan trọng đó là sự khác biệt và phương thức vận hành chuyên nghiệp.

Để có sự khác biệt, các trường ĐH tư thục phải xây dựng chiến lược phát triển theo hướng đào tạo những ngành nghề đặc thù và chuyên nghiệp. Không nên dàn trải ra nhiều ngành nghề như các trường công vì cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên (yếu tố quan trọng nhất) của các trường ĐH tư chưa thể cạnh tranh với hệ thống trường ĐH công.

Chính nhờ sự khác biệt mà hiện nay ở Việt Nam có nhiều trường tư thục hay quốc tế như FPT, RMIT, Bình Dương, Hoa Sen, Việt-Pháp, Hutech… được đánh giá cao và mang lại sắc thái tươi mới và đa dạng cho nguồn nhân lực Việt Nam.

Trường ĐH Việt-Pháp là trường ĐH theo mô hình mới, kết hợp giữa nghiên cứu và giảng dạy với tất cả các chương trình đều giảng dạy bằng tiếng Anh; Hutech chuyên về ngoại ngữ tin học; FPT là cái nôi đào tạo những kỹ sư về công nghệ cao; Hoa Sen hướng đến tìm việc làm đầu ra cho sinh viên có hiệu quả…

PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh và bà Karen Hamilton, Phó trưởng phòng Phòng Hợp tác Quốc tế ĐH Bình Dương, cũng cho rằng, sự khác biệt sẽ tạo sức hút để thu hút đầu vào của các trường nhưng phương thức vận hành chuyên nghiệp, hiệu quả mới là yếu tố duy trì, phát triển của hệ thống trường ĐH tư thục.