Hướng về Biển Đông

(NTO) Sức không còn như thuở vượt Trường Sơn Nhưng ngón tay tôi đủ kéo “cò” trút giận

“Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”

Tình yêu trùm muôn sóng đại dương

Dân tộc mình sáng lẽ phải tình thương

Yêu hòa bình nên rộng lòng độ lượng

Nhưng khi cần đá nghìn cân dội xuống

Sông Bạch Đằng quật khởi giữa Biển Đông

Nguyễn Long

Phải nói rằng trong nhiều năm qua không ít người làm thơ phải viện đến những kỹ xảo hoặc rất cầu kỳ để làm hoa mắt người đọc trong khi cảm xúc thật thì đã chai sạn. Giữa lúc đó, bài thơ Hướng về Biển Đông của tác giả Nguyễn Long nói về hình thức thì rất quen thuộc như vần điệu, như thể thơ nhưng lại đi vào lòng người một cách tự nhiên, không gò ép.

Vì sao vậy? Vì âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đã quá trắng trợn. Không nói đến quá khứ, chỉ nói đến sự kiện mới đây, Trung Quốc ngang ngược kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, rồi nào là phun vòi rồng… rồi nào là cố tình đâm va tàu kiểm ngư Việt Nam đang làm nhiệm vụ… Tệ hại hơn lại húc chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam đang hành nghề trên chính ngư trường của mình.

Tất cả hành động đó của Trung Quốc đã xúc phạm đến người dân Việt Nam từ trẻ đến già, và bài thơ Hướng về Biển Đông của nhà thơ - nhà giáo Nguyễn Long đã ra đời nói hộ được tâm trạng của người dân Việt Nam lúc này.

Vâng!. "Sức không còn như thuở vượt Trường Sơn, nhưng ngón tay tôi đủ kéo “cò” trút giận"… Họ là ai? Họ là những người cao tuổi, những cựu chiến binh đã qua hai cuộc kháng chiến rồi đến chiến tranh biên giới năm 1979, trong đó có tôi. Tuổi cao sức yếu là lẽ tự nhiên nhưng không vì thế mà không nổi giận nếu có kẻ xâm phạm đến chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc ta.

Bài thơ Hướng về Biển Đông của nhà thơ Nguyễn Long chỉ có 8 câu với 2 khổ thơ. Bao trùm lên tất cả lòng yêu nước, bảo vệ Tổ quốc đã thấm vào máu thịt của người dân Việt Nam đã có trong ca dao, tục ngữ (Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh).

Cuộc chiến tranh để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đất nước thì không ai có thể đứng ngoài cuộc vì nó là chính nghĩa, vì nó là đạo lý. Tuy vậy, sự trút giận cũng chỉ có thể bùng phát sau khi không thể nén giận được nữa và nếu xảy ra thì lần này không phải ở cửa sông Bạch Đằng mà giữa biển khơi trong thềm lục địa. Câu thơ “Sông Bạch Đằng quật khởi giữa Biển Đông” làm tôi nhớ đến một câu nói trong dân gian người Chăm:

Chết nơi biển rộng sông sâu

Ai đâu lại chết vũng trâu ven làng.

Xem ra thế, một bài thơ hay muôn đời vẫn là tiếng nói đồng lòng, tiếng nói đồng tình cho dù có cách tân đến mấy.