Thế giới tuần qua

1. Dải Gaza (Ga-da) vốn chưa yên tiếng súng, lại vừa trải qua ngày đẫm máu nhất, kể từ khi Israel (I-xra-en) phát động Chiến dịch “Bảo vệ biên giới”. Một lần nữa, các mục tiêu dân sự, trong đó có một trường học LHQ đã trở thành nạn nhân trong chiến dịch quân sự của Israel. Những đợt nã pháo của Israel ngày 30-7 vào miền Bắc Dải Gaza của người Palestine (Pa-le-xtin) làm ít nhất 93 người thiệt mạng, trong đó có 19 người thiệt mạng và 125 người bị thương khi đang lánh nạn tại một ngôi trường của LHQ. Ngôi trường này là nơi hàng nghìn người Palestine tìm đến để lánh nạn, nhưng cuối cùng đây cũng không còn là nơi lánh nạn an toàn nữa.

Phía Israel giải thích rằng, các tay súng của nhóm Hồi giáo Hamas (Ha-mát) đã sử dụng ngôi trường này để làm căn cứ bắn tên lửa vào Israel. Tuy nhiên, các quan chức LHQ cho biết, họ đã cảnh báo Israel rằng các trường học của LHQ tại Dải Gaza là nơi dân thường đang trú ẩn. Và, đó cũng là trại tỵ nạn lớn nhất ở Dải Gaza với số người tới trú ẩn lên đến 12.000 người.

Các cơ quan y tế đã tổng kết, trong suốt 3 tuần diễn ra chiến dịch quân sự của Israel nhằm vào Dải Gaza đã có 1.422 người Palestine thiệt mạng, trong đó chủ yếu là dân thường. Về phía Israel, có 53 binh lính và 3 dân thường thiệt mạng.

2. Trong khi đó, một diễn biến liên quan khác, sau 2 tuần chiến sự diễn ra ở Thủ đô Tripoli (Libya), Chính quyền Libya (Li-bi) đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 24 giờ với lực lượng phiến quân đang chiến đấu tại Sân bay Tripoli (Tri-pô-li). Thỏa thuận ngừng bắn được xem là một quãng nghỉ hiếm hoi, khi gần 100 người thiệt mạng và buộc một loạt các nước phải sơ tán nhân viên ngoại giao của họ ra khỏi Libya.

Tuy nhiên, viễn cảnh của lệnh ngừng bắn ngay lập tức trở nên mong manh khi một quả đạn pháo của lực lượng phiến quân đã bắn trúng một kho dầu khác tại Thủ đô Tripoli, ngay sau tuyên bố của chính phủ về thỏa thuận ngừng bắn.

Trong những ngày qua, Tây Ban Nha cho biết, nước này có quyết định sơ tán 60 nhân viên Đại sứ quán tại Tripoli. Các nước Hà Lan, Philippines và Áo cũng tuyên bố sơ tán nhân viên ngoại giao sau khi Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành các bước tương tự.

3. Dịch Ebola đang lây lan mạnh ở châu Phi, với quốc gia mới nhất là Nigeria, nước đông dân nhất ở châu lục này. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố: Số người chết do nhiễm khuẩn Ebola ở Tây Phi đã cướp đi hơn 670 sinh mạng. Đây là diễn biến nguy hiểm nhất của dịch bệnh này kể từ khi phát hiện ra virus Ebola vào năm 1976.

Theo WHO, dịch Ebola lần này diễn biến nguy hiểm như vậy là bởi nó đồng thời bùng phát tại 3 nước Guinea (Ghi-nê), Liberia (Li-bê-ri) và Sierra Leone (Si-e-ra Li-on). Tỷ lệ tử vong bởi dịch Ebola hiện nay được xác định là rất cao, lên tới 90%. Tuy nhiên đến nay, ngành Y học vẫn chưa tìm ra loại thuốc đặc trị hay loại vaccine (vác-xin) phòng ngừa nào. Bênh nhân nhiễm Ebola do tiếp xúc với máu và dịch thể của một số loài động vật, chủ yếu là Khỉ và một loại Dơi lớn thuộc họ Megachiroptera. Bệnh nhân sẽ trải qua một giai đoạn với các triệu chứng giống với cảm sốt (đau cơ, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy…), sau đó chết vì rối loạn chức năng đa cơ quan. Virus Ebola lây lan từ người này sang người khác qua tiếp xúc với máu, nước bọt và những dạng bài tiết khác…