Dấu ấn: Sự kiện lịch sử trong nước ngày 19-7

* Sự kiện

- Ngày 19-7-1888: Thành lập thành phố Hà Nội theo Sắc lệnh của Tổng thống Pháp. Sắc lệnh này được ban hành trước khi triều đình Huế ký chỉ dụ dâng Hà Nội cho Pháp.

- Ngày 19-7-1925: Bản “Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức” do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo được công bố trên Báo Thanh Niên, số 5, xuất bản tại Quảng Châu (Trung Quốc). Bản tuyên ngôn xác định mục tiêu “cần phải đoàn kết các dân tộc bị áp bức và toàn thể công nhân trên thế giới lại để làm cách mạng” và kêu gọi: “Hỡi hết thảy những người bị áp bức, anh em! Nếu bọn đế quốc áp bức chúng ta và đối xử với chúng ta như loài vật, đó là vì chúng ta không đoàn kết! Nếu chúng ta đoàn kết, chúng ta sẽ trở nên đáng gờm... Chúng ta nên sớm kết đoàn lại! Hãy hợp lực để đòi quyền lợi và tự do của chúng ta! Hãy hợp lực để cứu lấy nòi giống chúng ta... Các bạn thân yêu! Đoàn kết của chúng ta sẽ làm nên sức mạnh. Nó đủ để đánh tan bọn đế quốc. Muốn vượt qua vòng nô lệ, chúng ta chỉ có thể cậy vào sức của mình mà thôi..., hãy đoàn kết với chúng tôi làm cuộc cách mạng tối thượng”.

- Ngày 19-7-1957: Đồng chí Trường Chinh trình bày chính sách của Đảng đối với trí thức tại Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (mở rộng). Những điểm chính của chính sách đó là: Đoàn kết rộng rãi giới trí thức huy động mọi lực lượng trí thức, làm tròn những nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới; Sử dụng trí thức đúng tài năng, sắp xếp công tác cho hợp lý theo nguyên tắc có tài, có đức, có chức, có quyền.- Bảo đảm cho trí thức những phương tiện cần thiết, đãi ngộ trí thức một cách xứng đáng và hợp với khả năng của nước nhà; Cải tạo trí thức cũ, đào tạo trí thức mới, không ngừng nâng cao trình độ và mở rộng hàng ngũ giới trí thức.

- Ngày 19-7-1992: Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX. Cuộc bầu cử đã được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật. Với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 99,12%, nhân dân đã thể hiện lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, có ý thức về quyền và nghĩa vụ của mình trong cuộc bầu cử, tích cực lựa chọn những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Trong tổng số 395 đại biểu được bầu, 33 đại biểu ngoài Đảng, 222 đại biểu có trình độ đại học và trên đại học. Thành phần của các đại biểu được bầu vào Quốc hội khóa IX đã thể hiện khối đại đoàn kết toàn dân và tiêu biểu cho trí tuệ của nhân dân cả nước.

- Ngày 19-7-2009: Khởi công xây dựng cầu Rồng tại Đà Nẵng. Cầu Rồng có tổng chiều dài hơn 666m, rộng 37,5m, gồm 6 làn xe, dải phân cách và hành lang đi bộ 2 bên. Cầu mô phỏng hình dáng rồng thời Lý mạnh mẽ vươn ra biển lớn, tượng trưng cho khát vọng vươn cao của thành phố biển miền Trung. Đây là cây cầu có kiến trúc độc đáo được tập đoàn Louis Beger (Mỹ) thiết kế dạng vòm thép đơn duy nhất tại khu vực Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện tại. Cầu đã trở thành một điểm nhấn ấn tượng, độc đáo,tạo sức hút mạnh về du lịch cho thành phố Đà Nẵng.Cầu khánh thành ngày 29-3-2013.

* Nhân vật

- Ngày 19-9-1442: Ngày mất anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi sinh năm 1380, tên hiệu là ức Trai, quê ở Nhị Khê, Thường Tín, Hà Tây (nay là Hà Nội).Ông có công lớn giúp Lê Lợi chiến thắng quân Minh xâm lược, đồng thời là bậc khai quốc công thần, xây đắp vương triều Lê trong buổi ban đầu. Ông là một nhà văn hóa xuất sắc của Việt Nam, có đóng góp to lớn vào sự phát triển của văn học và tư tưởng nước ta. Ông có những tác phẩm tiêu biểu: Bình Ngô đại cáo, ức Trai thi tập, Quân trung từ mệnh tập... Năm 1980, tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ghi nhận ông là danh nhân văn hóa và được kỷ niệm trên toàn thế giới.

Theo TTXVN