Thế giới tuần qua

1. Liên quan đến vấn đề Biển Đông, nhiều báo chí quốc tế đưa tin về cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung Quốc lần thứ 6 diễn ra tại Bắc Kinh. Khai mạc ngày 9-7, tại Bắc Kinh một quan chức Mỹ cho biết, ông Kerry đã thảo luận về tình hình căng thẳng trên Biển Đông với các quan chức Trung Quốc. Quan chức này nhận xét rằng: “Tuyên bố của Bắc Kinh với gần như toàn bộ Biển Đông là “có vấn đề” và hành động của “người khổng lồ” châu Á đang gây căng thẳng”. Trả lời các câu hỏi của phóng viên các báo nhắc đến việc Trung Quốc áp đặt chủ quyền của mình lên các đảo ở Biển Đông dựa vào đường lưỡi bò được vẽ trong một tấm bản đồ thế kỷ XX, vị quan chức đi cùng ông Kerry này nói: “Sự mơ hồ liên quan đến đường 9 đoạn là rất có vấn đề”. Mỹ nhấn mạnh rằng, mặc dù nước này không đứng về bên nào trong các yêu sách về chủ quyền, nhưng cáo buộc Bắc Kinh có những hành vi gây mất ổn định và yêu cầu Trung Quốc duy trì tự do hàng hải trong các tuyến đường thủy quan trọng.

Nói về lời hứa của Trung Quốc rằng sẽ dùng các phương pháp ngoại giao và hòa bình để giải quyết vấn đề, vị quan chức của Mỹ nói rằng: “Chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ tôn trọng điều đó và giữ đúng lời hứa của mình”.

2. Tình hình căng thẳng giữa các bên xung đột ở U-crai-na, các vùng lãnh thổ Pa-lex-tin vẫn chưa có lời kết. Liên quan đến U-crai-na, Đại diện thường trực của Nga tại Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) A. Kê-lin đã yêu cầu chấm dứt xung đột, nối lại lệnh ngừng bắn và thực hiện các biện pháp cải thiện tình hình nhân đạo ở các tỉnh miền Đông U-crai-na. Nga đang đề xuất tạo hành lang nhân tạo cho người dân rời khỏi thành phố và cung cấp lương thực, thực phẩm, nhiên liệu tới khu vực xung đột. Còn Tổng thống U-crai-na P.pô-rô-sen-cô tuyên bố sẵn sàng đối thoại với lực lượng tự vệ ở các tỉnh miền Đông với điều kiện lực lượng này giải giáp vũ khí. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng U-crai-na khẳng định, chính quyền Ki-ép sẽ bác bỏ đàm phán về lệnh ngừng bắn và bầu chính quyền mới nếu lực lượng tự vệ địa phương không từ bỏ vũ khí.

3. Trong khi đó, tại dải Gaza của Palestine đang chứng kiến làn sóng bạo lực gia tăng kể từ khi 3 thiếu niên Israel bị bắt cóc và sát hại tại thành phố Hebron ở Bờ Tây mà Tel Aviv cáo buộc Hamas đứng sau vụ việc. Nội các an ninh của Israel đã quyết định cho phép quân đội huy động tới 40.000 quân dự bị tham gia cuộc tấn công nhằm vào dải Gaza. Quyết định sử dụng một lượng lớn quân dự bị được đưa ra chỉ ít giờ sau khi Israel khởi động chiến dịch “bảo vệ đường biên giới” nhằm trả đũa các cuộc không kích bằng rocket từ dải Gaza. Đến thời điểm này, lực lượng không quân Israel đã không kích hơn 40 mục tiêu của Hamas, khiến 13 người Palestine thiệt mạng và 90 người bị thương.

Trước tình hình leo thang nghiêm trọng tại dải Gaza, Liên đoàn Arab đã lên tiếng kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ triệu tập phiên họp khẩn để thảo luận về chiến dịch không kích đẫm máu của Israel nhằm vào dải Gaza.