CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Quả nho liệu đã lên “ngôi” !

(NTO) Sau đêm dự khai mạc Lễ hội nho và vang quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại tỉnh ta, anh bạn tôi phấn khởi ra mặt. Vốn là “nhà nho” “chính hiệu con nai vàng” với thâm niên không dưới 20 năm và nói một cách văn hoa là anh đã “ăn cùng cây nho, ngủ cùng cây nho và vui buồn cũng cùng cây nho” nên quá hiểu về cây trồng vốn rất “dịu dàng”, luôn mang trái ngọt cho đời và cho cả người trồng nhưng cũng rất “đỏng đảnh”, “dễ vỡ” trước những thay đổi của thời tiết, khí hậu với nhiều bệnh khó trị.

Anh tâm sự : - Làm nho tuy cực nhưng cho thu nhập cao, ít có cây trồng nào sánh bằng. Tuy nhiên điều trăn trở của “nhà nho” là đầu ra thường thiếu ổn định, điệp khúc “được mùa mất giá” hát hoài chưa dứt. Đó là chưa nói đến tình trạng ép giá, ép cấp của tư thương. Vốn là cây ăn trái nên chín là thu hoạch ngay không thể để lâu “cầm” trên giàn được nên bằng mọi giá phải bán nếu không sẽ rất nhiều rủi ro.

Niềm vui được mùa nho. Ảnh: Tô Công Vinh

Nói rồi anh mong ước: - Tỉnh ta tổ chức được lễ hội để quảng bá nho và các sản phẩm từ quả nho của tỉnh là rất quý, là tin vui của nông dân trồng nho. Nhưng liệu sau lễ hội này “đầu ra” cho sản phẩm nho nhất là nho ăn tươi của bà con có “thênh thang” hơn không? Mong sao những người trồng nho như tôi đây giảm được nỗi lo tiêu thụ!...

Theo tìm hiểu số liệu từ ngành Nông nghiệp cho thấy, đến nay toàn tỉnh có gần 800ha nho cho trái. Vụ Đông-Xuân vừa qua năng suất bình quân đã đạt 168,7 tạ/ha, tăng 16,6 tạ/ha so với năm 2013. Sản lượng thu hoạch ước tính không dưới 11.600 tấn. Đây quả là con số không nhỏ. Giá cả tương đối cao, nho đỏ giá từ 18.000-20.000 đồng/kg, trong khi nho xanh có giá từ 27.000-32.000 đồng/kg. Đó là bán tại vườn còn giá trên thị trường do một số cơ sở kinh doanh mua bán lại thì hiện tại nho xanh “nằm” giá 65.000 đồng/kg, nghĩa là cao gần gấp đôi so với mua của nông dân. Theo khuyến cáo của một số nhà kinh doanh thì để có “đầu ra” ổn định, giá cao, đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng thì phải sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, nghĩa là áp dụng các biện pháp sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm sạch và an toàn. Tuy nhiên, đến nay diện tích áp dụng tiêu chuẩn này chỉ mới ở con số rất khiêm tốn với trên 25 ha nhưng cũng không tập trung.

Suy cho cùng, để quả nho lên “ngôi” chủ yếu vẫn là từ phía người nông dân có mạnh dạn, quyết tâm cao trong chuyển đổi “tư duy” sản xuất bằng việc cung cấp sản phẩm theo nhu cầu thị trường thay vì ngược lại, đó là cung cấp cho thị trường sản phẩm mình có. Và tiêu chuẩn VietGAP đối với cây nho nói riêng và các loại rau quả nói chung là yêu cầu tất yếu. Lễ hội nho và vang quốc tế tỉnh tổ chức là tạo điều kiện để quảng bá hình ảnh, tạo thêm “điểm nhấn” để thương hiệu “Nho Ninh Thuận” vươn xa cũng đồng nghĩa với việc mở rộng thị trường tiêu thụ cho quả nho và sản phẩm từ nho. Tin rằng bằng nỗ lực của tỉnh và quyết tâm chuyển đổi của người trồng nho, sản phẩm nho Ninh Thuận sẽ trở thành “thương hiệu mạnh” trên thị trường và chí ít là ngay trên “sân nhà” trong nước.