Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp xúc cử tri tại Quảng Ninh

Ngày 3/7, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đã tiếp xúc cử tri thị xã Quảng Yên và TP. Uông Bí, báo cáo kết quả của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13.

 Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh
tiếp xúc cử tri thị xã Quảng Yên và TP. Uông Bí. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Theo đó, Quốc hội đã thông qua 11 Luật, 2 Nghị quyết và cho ý kiến 16 dự án Luật, 1 Nghị quyết khác. Đây là những văn bản nhằm cụ thể hóa các nội dung của Hiến pháp, có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, trước việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 và đưa tàu bè, trong đó có cả tàu quân sự, vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Phó Thủ tướng cho biết ngay từ ngày đầu tiên của Kỳ họp, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ có báo cáo về sự việc này.

Quốc hội cũng đã dành thời gian thảo luận về vấn đề Biển Đông, tập trung vào tác động của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng biển Việt Nam đối với quan hệ Việt-Trung, môi trường hòa bình an ninh trong khu vực cũng như nền kinh tế nước ta.

Bên cạnh những phát biểu của lãnh đạo cấp cao, lần đầu tiên, Quốc hội đã ra Thông cáo về tình hình Biển Đông, gồm 4 điểm, nêu rõ lập trường chính nghĩa của Việt Nam trước đồng bào ta và dư luận quốc tế.

Phó Thủ tướng khẳng định quan điểm của Đảng và Nhà nước là sử dụng mọi biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và tàu bè ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng, Đảng và Nhà nước đã thực hiện các biện pháp đấu tranh chính trị-ngoại giao ở mức cao nhất, 3 lần gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc phản đối hành vi của Trung Quốc, tổ chức 5 cuộc họp báo quốc tế, sử dụng tất cả các kênh để đấu tranh… với mục tiêu giữ vững chủ quyền an ninh, môi trường hòa bình, phát triển quan hệ với các nước để bảo vệ chủ quyền và phát triển đất nước.

Hoạt động đấu tranh của chúng ta được minh hoạ bằng những hình ảnh xác đáng, sinh động về việc tàu cá Trung Quốc va chạm, đâm tàu cá, tàu kiểm ngư của Việt Nam trong khi Trung Quốc không có bằng chứng thuyết phục.

Trái lại, Trung Quốc đã vu khống trắng trợn, nói Việt Nam đâm tàu Trung Quốc 1.500 lần. Kể cả khi chúng ta đưa những video clip rất rõ về hành động của Trung Quốc thì người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn nói tàu cá Việt Nam đâm tàu Trung Quốc.

Trên thực địa, lực lượng thực thi pháp luật của chúng ta đã tiến hành đấu tranh vận động Trung Quốc rút ngay giàn khoan và tàu khỏi vùng biển Việt Nam. Từ ngày 2/5, chúng ta duy trì khoảng 30 tàu kiểm ngư và cảnh sát biển cùng với ngư dân đánh cá phát triển kinh tế đồng thời tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia. Phó Thủ tướng đánh giá các lực lượng của chúng ta vẫn “rất anh dũng, rất kiên quyết trên thực địa”.

Cộng đồng quốc tế cũng đã bày tỏ ủng hộ lập trường nhất quán của Việt Nam là kiềm chế, giải quyết bằng biện pháp hòa bình, kể cả các biện pháp pháp lý khi cần thiết. Các nước bày tỏ lo ngại và đặc biệt lên án hành động của Trung Quốc trong khi không có nước nào ủng hộ hành vi của Trung Quốc.

Báo chí quốc tế đã phản ánh khách quan vụ việc, đặc biệt là đưa tin các hành động hung hãn của Trung Quốc trên thực địa, qua đó góp phần giúp Việt Nam giành “thế chủ động trên mặt trận thông tin”.

Tuy nhiên, cho đến nay, Trung Quốc vẫn ngang nhiên duy trì giàn khoan trong vùng biển Việt Nam, tiếp tục có những hành vi ngày càng hung hăng hơn trong những ngày qua.

Liên quan đến ý kiến Việt Nam có bị động trước hành vi của Trung Quốc, Phó Thủ tướng khẳng định “chúng ta không bị động trước âm mưu muốn độc chiếm Biển Đông, chiếm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”. Trên thực tế, chúng ta thường xuyên có tàu thực thi pháp luật tại vùng biển phía nam đảo Tri Tôn. Ngay trong ngày Trung Quốc đưa giàn khoan vào hạ đặt trái phép, chúng ta đã có 6 tàu thực thi pháp luật ở đó đồng thời triển khai ngay các biện pháp ngoại giao để phản đối.

Cử tri tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Về phương hướng đấu tranh bảo vệ chủ quyền trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định chúng ta sẽ tiếp tục đấu tranh cả trên thực địa (duy trì các lực lượng tàu thực thi pháp luật, tàu cá), đấu tranh chính trị ngoại giao, vận động quốc tế lên án, đưa ra các diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc, kể cả các biện pháp pháp lý như đưa Trung Quốc ra các cơ chế tài phán quốc tế nhằm thể hiện rõ hơn quyết tâm bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Phó Thủ tướng cho biết thêm, trong bức tranh tổng thể bảo vệ chủ quyền, chúng ta đã hoàn thành phân định và cắm mốc biên giới đất liền với Trung Quốc năm 2009, hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo mốc giới trên bộ với Lào năm 2013, đang tiếp tục phân giới cắm mốc với Campuchia (hoàn thành trên 80% khối lượng).

Đối với biên giới trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, hai bên đã hoàn thành phân định biên giới biển trong Vịnh Bắc Bộ; đang tiến hành phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ nhưng “còn nhiều khó khăn” do Trung Quốc vẫn đang chiếm giữ trái phép Hoàng Sa.

Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam nhằm thực hiện nhiều mục tiêu, trong đó có tham vọng độc chiếm Biển Đông. Thông qua việc đưa ra đường lưỡi bò năm 1946, do một sĩ quan của Tưởng Giới Thạch vẽ vu vơ, Trung Quốc từng bước lấn chiếm và mở rộng phạm vi này nhằm từng bước hiện thực hóa tham vọng trên thực tế.

Năm 2012 khi Việt Nam thông qua Luật Biển, Trung Quốc đã thành lập thành phố Tam Sa và mời thầu 9 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Âm mưu của Trung Quốc là cả một tiến trình, từ chiếm giữ các đảo, cho đến mời thầu lô dầu khí trong vùng biển Việt Nam, rồi đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam…

Khi đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa 17 hải lý, Trung Quốc nói rằng đây là vùng biển của Trung Quốc (với hàm ý đây là vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm giữ). Thực chất, đó là hình thức mở rộng đòi hỏi chủ quyền phi lý vào sâu vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Với âm mưu đó, Trung Quốc định ép Việt Nam trong phân định vùng ngoài cửa vịnh Bắc Bộ với mốc phân chia là đảo Tri Tôn thay vì đảo Hải Nam. Khi đó vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chỉ còn 60 hải lý tính từ bờ biển.

Phó Thủ tướng cho hay đây không phải lần đầu tiên chúng ta đấu tranh với Trung Quốc. Từ năm 2005, khi Trung Quốc tiến hành thăm dò, khảo sát tại khu vực phía nam đảo Tri Tôn, chúng ta đã cương quyết đấu tranh ngoại giao và trên thực địa.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri cho rằng kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã quyết định, thông qua nhiều quyết sách quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước đồng thời bày tỏ tâm tư, nguyện vọng đối với nhiều vấn đề lớn của đất nước, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Nguồn www.chinhphu.vn