Về Phước Diêm thăm nhà Anh hùng Đặng Chí Thanh

(NTO) Ông Đặng Chí Thanh, được biết nhiều với tên gọi Đặng Văn Thanh, là một trong 2 người đầu tiên của Đoàn tàu không số vinh dự được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong ngôi nhà khang trang giữa làng biển Lạc Tân 1 (xã Phước Diêm, Thuận Nam), ông Đặng Minh Dấu (con trai Anh hùng LLVTND Đặng Chí Thanh) lần giở từng trang tư liệu về người cha mang nhiều kỳ tích nhưng cũng rất đỗi đôn hậu, hiền từ của mình.

Lịch sử “con đường” huyền thoại trên biển

Năm 1959, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh mở đường biển để vận chuyển vũ khí, đạn dược cho chiến trường miền Nam. Đây được xem là “hải tử”, nhưng cũng là cách nhanh hơn và vận chuyển được nhiều hơn so với đường bộ. Tháng 7-1959, Đoàn Vận tải thủy 603 làm nhiệm vụ chi viện vũ khí cho miền Nam ra đời, mang biệt danh "Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”, đóng quân ở thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch , tỉnh Quảng Bình, ngay cửa Sông Gianh. Sau này Đoàn tàu không số gọi là D759 (lấy tên thời điểm thành lập đầu tiên là tháng 7 – 1959), sau là Đoàn 125 và trở thành Lữ đoàn 125 Hải quân.

 
Anh hùng Đặng Chí Thanh.

Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ đạo các tỉnh ven biển ở Nam Bộ, Trung Bộ chủ động chuẩn bị bến bãi và tổ chức đưa thuyền vượt biển ra Bắc, vừa nghiên cứu tuyến vận chuyển trên biển vừa nhận vũ khí về miền Nam. Từ giữa năm 1961 đến giữa năm 1962, tàu thuyền của các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Bạc Liêu, Bà Rịa đã ra được miền Bắc, được điều về D759 và trở thành một trong những lực lượng nòng cốt, “vốn” ban đầu của Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Từ tháng 10-1962 đến tháng 4-1975, Đoàn tàu không số đã vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam khoảng 16.300 tấn vũ khí, 50 xe tăng, xe bọc thép và pháo lớn, nhiều loại hàng hóa quân sự ,cùng gần 19.000 cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường, từng bước làm thay đổi tương quan lực lượng trên chiến trường ngày càng có lợi cho cách mạng, góp phần quan trọng tạo nên những trận thắng lớn như Bình Giã, Đồng Xoài, Dầu Tiếng, Ấp Bắc, tổng tiến công Mậu Thân và cuối cùng là chiến thắng lịch sử Mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đoàn tàu không số cũng góp phần chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo phía Nam Tổ quốc.

Phác họa chân dung người anh hùng

Ông Đặng Minh Dấu, vừa tự hào, vừa kể lại: “Lúc tôi 6 tháng tuổi (tức cuối năm 1957) thì ông đã đi biền biệt. Mãi đến 1975 hòa bình, ông mới trở về, khi ấy đã là Anh hùng rồi. Gia đình tôi mới biết ông còn sống, tôi mới có cha…”

Anh hùng LLVTND Đặng Chí Thanh sinh năm 1925, ở làng biển Lạc Nghiệp (Phước Diêm, Thuận Nam). Tên thật của ông là Đặng Văn Bính (Bình), sau này đổi thành Đặng Văn Thanh rồi Đặng Chí Thanh. Tuổi thơ của ông trải qua nhiều cực nhọc, tủi khổ. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, 8 tuổi ông đã phải lặn biển kiếm sống. Có lẽ, chính sự bương chải từ nhỏ đã hun đúc ở ông ý chí kiên cường, gan dạ và tài trí, nhạy bén đưa đến những chiến công oanh liệt trong cuộc chiến “mở đường Hồ Chí Minh” trên biển huyền thoại.

 
Vợ chồng ông Đặng Minh Dấu luôn xúc động mỗi khi nhắc về người cha - Anh hùng Đặng Chí Thanh.

Năm 1960, ông Đặng Chí Thanh được điều ra Bắc nhận nhiệm vụ. Ông đã trực tiếp gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và sau đó được biên chế về D759, làm chính trị viên trên nhiều tàu vận chuyển vũ khí cho miền Nam. Chiến công oanh liệt nhất của ông là chuyến đi vào tháng 9-1963, được giao nhiệm vụ làm chính trị viên tàu 41- tàu “mở đường” vào bến Sông Ray (Bà Rịa), chuyển vũ khí cho Quân khu 7. Vào đến bến, tàu mắc cạn ngay trước đồn Phước Hải của địch. Tình thế nguy cấp, nhiều ý kiến đề nghị cho hủy tàu, nhưng với tài trí và sự gan dạ đã “đấu trí” với giặc, ngụy trang tàu thành tàu cá, ung dung cùng bác máy trưởng Năm Sao uống rượu vá lưới bất chấp máy bay địch đang oanh tạc ngay trên đầu. Chuyến ấy nhờ thế mà thành công trót lọt.

Tháng 1-1967, khi đang là Thượng úy, chính trị viên tàu, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Sau giải phóng, ông tiếp tục công tác ở Lữ đoàn 125 Hải quân, từng giữ chức vụ Chính ủy, Bí thư Lữ đoàn. Theo lời kể của ông Đặng Minh Dấu, có lần, khi Anh hùng Đặng Chí Thanh còn là cấp chỉ huy của Lữ đoàn 125, ông trở về thăm nhà bằng đường biển. Tàu cập cảng Cà Ná, vài chiến sỹ theo bảo vệ ông, nhưng ông từ chối. Ông nói với các chiến sỹ: “Làng tôi thanh bình lắm, hiền hòa lắm, không có nguy hiểm gì đâu. Các cậu để tôi tự về nhà được rồi.”

Nghỉ hưu năm 1982, Anh hùng Đặng Chí Thanh trở về quê nhà, vẫn giữ phong cách người chiến sỹ cách mạng, sống giản dị và nêu gương cho con cháu. Bà Nguyễn Thị Nụ, vợ ông Dấu xúc động khi nhớ lại hình ảnh người Anh hùng bình dị, cha chồng của bà: Lúc còn là cấp lãnh đạo của Lữ đoàn, ông cũng sống rất giản dị. Ngoài những bộ quân phục, quần áo và đồ dùng của ông hầu như không có gì. Năm nào tôi cũng may mấy bộ quần áo, làm nước mắm, cá khô gửi ra tận Hải Phòng cho ông. Ông hiền lắm! Người trong làng, già trẻ gái trai hay đến nhà uống trà, nghe ông kể chuyện vận chuyển vũ khí trên biển. Trí nhớ ông rất tốt, ông nhớ rõ từng chi tiết của mỗi chuyến đi, mỗi bến bãi, vùng biển, nhớ từng anh em của đơn vị. Ông cũng rất thích đọc báo, nên khi mắt yếu ông muốn được phẫu thuật cho sáng hơn. Sau phẫu thuật, sức khỏe ông không tốt. Ông qua đời ngày 18-5-2002.

Cuộc đời của Anh hùng LLVTND Đặng Chí Thanh, chiến công vẻ vang của Đoàn tàu không số, những trang sử vàng của dân tộc trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc sẽ mãi là niềm tự hào, là ngọn lửa soi đường, củng cố quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.