Tăng cường quản lý thu thuế đối với hoạt động thu mua tôm thương phẩm

Theo Chi cục nuôi trồng thủy sản tỉnh, vụ nuôi năm 2013, toàn tỉnh có 2.142 hộ nuôi tôm thương phẩm, với diện tích thả nuôi 2.384 ha, sản lượng thu hoạch bình quân từ 5-7 ngàn tấn/năm. Về hoạt động tổ chức thu mua, chế biến tôm thương phẩm; tính đến thời điểm hiện nay toàn tỉnh có 9 DN, trong đó 6 DN kinh doanh thu mua để bán và 3 DN thu mua để chế biến. Ngoài ra, còn có một số DN ở các tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên, Cần Thơ vào trực tiếp tổ chức thu mua và vận chuyển ra khỏi địa phương. Thời gian qua, Cục Thuế tỉnh đã triển khai thực hiện tốt một số biện pháp chống thất thu thuế đối với tôm thương phẩm, nhất là các DN hoạt động trong lĩnh vực này như: Tăng cường giám sát kê khai nộp thuế, đối chiếu chéo hóa đơn, rà soát sản lượng mua bán, tổ chức thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại DN... nên sản lượng kê khai nộp thuế của các DN phù hợp với quy mô kinh doanh thực tế, số thu ngân sách từ nguồn kinh doanh tôm thương phẩm tăng hàng năm. Chỉ tính năm 2013, tổng sản lượng kê khai thuế của các DN là 5.000 tấn, chiếm 72% sản lượng thu hoạch vụ nuôi năm 2013, trong đó chế biến xuất khẩu 2.500 tấn, số thuế thu nộp ngân sách tương đối khá, năm 2013 là 16 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo chính sách thuế quy định, tôm thương phẩm do các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp nuôi trồng, thu hoạch bán ra là sản phẩm nông nghiệp, không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. Các DN ngoài tỉnh trực tiếp tổ chức thu mua của các hộ gia đình, cá nhân nuôi tôm, khi vận chuyển ra khỏi địa phương cũng không thuộc trường hợp phải kê khai, tạm nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên khâu lưu thông theo quy định của Luật Quản lý thuế (do sản phẩm thu mua không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT). Chỉ DN trong tỉnh tổ chức thu mua, chế biến khi xuất bán trong nước mới phải nộp thuế GTGT, thuế TNDN; trường hợp xuất khẩu (như CN C.ty TNHH thủy sản Thông Thuận) chỉ nộp thuế TNDN (do hàng hóa xuất được áp dụng thuế suất GTGT 0%).

Dựa vào chính sách này, trong năm 2013, một số thương nhân nước ngoài núp bóng DN trong nước đẩy giá thu mua lên cao để thu gom làm ảnh hưởng đến nguồn tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu của một số DN trong tỉnh vừa thất thu ngân sách. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Cục Thuế tỉnh thành lập Ban chỉ đạo và một số tổ công tác chống thất thu ngân sách, gian lận trong hoàn thuế GTGT trong lĩnh vực thu mua, chế biến hàng nông, lâm, thủy hải sản. Quá trình tập trung triển khai, mặc dù phát hiện xử lý truy thu thuế đối với một số DN hơn 5 tỷ đồng hoạt động trong lĩnh vực này, tuy nhiên số thuế xử lý truy thu chủ yếu là thuế TNDN và do DN kê khai, xác định chi phí tính thuế TNDN không đúng quy định.

Theo chính sách thuế GTGT sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014, thì mặt hàng tôm thương phẩm chưa qua chế biến DN trong tỉnh thu mua xuất bán cũng không phải kê khai nộp thuế GTGT. Như vậy, với chính sách thuế hiện hành, ngành thuế chỉ quản lý thu thuế TNDN của các DN trong tỉnh hoạt động thu mua, chế biến tôm thương phẩm; qua số liệu theo dõi thu nộp các năm, khả năng thu được từ 4-5 tỷ đồng/năm.

Để quản lý tốt nguồn thu, ngoài thường xuyên triển khai nhiều biện pháp chống thất thu ngân sách và quản lý khá tốt đối với những DN hoạt động trong lĩnh vực này; đồng thời đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh, hỗ trợ các DN trong tỉnh ổn định mạng lưới thu mua, cũng như nguồn tôm nguyên liệu phục vụ chế biến, tăng kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm tại địa phương; theo lãnh đạo ngành Thuế, các sở ngành, địa phương cũng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này thông qua việc kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành một số quy định về: Hóa đơn, chứng từ hàng vận chuyển trên đường, đăng ký kinh doanh, đăng ký điểm thu mua... trước khi tổ chức thu mua, vận chuyển tôm thương phẩm ra khỏi địa phương.

Đồng chí Đoàn Hạnh Phúc, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, cho biết: “Do tính phức tạp và lưu động trong hoạt động thu mua, mặt khác ngoài các DN trong tỉnh còn có những DN ngoài tỉnh và một số thương nhân nước ngoài núp bóng DN trong nước. Vì vậy, để việc kiểm tra, kiểm soát được thuận lợi, chặt chẽ và tránh chồng chéo, Cục Thuế đã có Tờ trình đề xuất UBND tỉnh một số giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này. Trong đó, đề nghị thành lập riêng Đoàn công tác liên ngành, với sự tham gia đại diện các ngành, địa phương liên quan để kiểm tra, kiểm soát một số nội dung nêu trên. Hoặc giao bổ sung nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát một số nội dung nêu trên cho Ban chỉ đạo và các Đoàn công tác liên ngành đã được thành lập theo Quyết định số 127/2001/QĐ-TTg ngày 27/8/2001 của Thủ tướng Chính phủ (nay là Quyết định 389/QĐ-TTg ngày 19/3/2014).