Tư liệu Thuỷ binh Bình Thuận có giá trị khẳng định chủ quyền biển đảo

Dù không trực tiếp đề cập đến các địa danh Hoàng Sa, Trường Sa, song các văn bản này đều là văn bản gốc, có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học quan trọng.

Bộ Văn hoá – Thể thao & Du lịch vừa ra công văn số 1868/BVHTTDL-DSVH cho ý kiến về việc thẩm định các tư liệu liên quan đến chủ quyền biển đảo Việt Nam được phát hiện ở Bình Thuận. Theo Bộ VHTT&DL, đây là 7 sắc, bằng của triều đình nhà Nguyễn ban, cấp cho ông Lê Văn Châm và Lê Non để thực thi nhiệm vụ trong việc lãnh đạo, chỉ huy quân sĩ thuộc các đội thuỷ binh bảo vệ, tuần phòng vùng biển từ Bình Thuận đến Khánh Hoà.

Các sắc bằng về thuỷ binh triều Nguyễn đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Thuận

Để xác định đầy đủ giá trị của các sắc bằng này cần tổ chức dịch thuật kỹ lưỡng, đồng thời nghiên cứu, tham khảo nhiều nguồn tư liệu, thư tịch và tư liệu điền dã khác. Công văn cũng nêu rõ: “Bước đầu có thể nhận thấy, dù không trực tiếp đề cập đến các địa danh Hoàng Sa, Trường Sa, song các văn bản này đều là văn bản gốc, có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học quan trọng, khẳng định triều đình nhà Nguyễn đã thiết lập các đội thuỷ binh, quan tâm đến việc bố phòng, bảo vệ vùng biển chủ quyền của Việt Nam.”

Bộ VHTT&DL đánh giá cao ngành văn hoá tỉnh Bình Thuận đã kịp thời tuyên truyền, vận động để nhân dân chuyển giao các tài liệu quan trọng này cho Bảo tàng tỉnh, giúp việc giám định tài liệu kịp thời, bảo vệ và phát huy giá trị lâu dài. Bộ cũng đề nghị Bảo tàng tỉnh Bình Thuận tiếp tục sưu tầm, bảo quản và phối hợp với cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ đặc biệt đối với các tài liệu liên quan đến vấn đề lịch sử, biển đảo của Tổ quốc hiện đang được lưu giữ tại địa phương.

Giám định các sắc bằng về thuỷ binh triều Nguyễn tại Bình Thuận

Trước đó, Bộ VHTT&DL đã cử các chuyên gia nghiên cứu vào Bình Thuận xem xét các tài liệu liên quan đến chủ quyền biển đảo Việt Nam. Ông Nguyễn Hữu Toàn - Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá cùng các nhà nghiên cứu đã đến khảo sát thực tế tại miếu “Báo Công Thuỷ binh” thuộc đình làng Bình An (xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong) cũng như tiến hành giám định 7 sắc, bằng liên quan đến các đội thuỷ vệ triều Nguyễn đang bảo quản tại Bảo tàng Bình Thuận.

“Trong thời điểm cả nước đang một lòng đoàn kết quyết tâm giữ gìn chủ quyền đất nước, chủ quyền biển đảo, thì các tư liệu và di tích đó là đối tượng chúng ta cần hết sức gìn giữ và nghiên cứu. Từ đó, có thêm bằng cứ lịch sử rõ ràng về sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của ông cha ta” - ông Nguyễn Hữu Toàn cho biết.

Nguồn vov.vn