Cơ hội cho ngư dân đóng tàu lớn vươn khơi đánh bắt hải sản

(NTO) Trước thông tin Chính phủ sẽ dành gói tín dụng10.000 tỷ đồng để khuyến khích ngư dân đánh bắt xa bờ tạo niềm phấn khởi cho ngư dân. Về các xã ven biển từ Thanh Hải, Khánh Hải (Ninh Hải) đến Phước Diêm, Cà Ná (Thuận Nam) đến đâu cũng nghe ngư dân tính chuyện làm ăn lớn.

Tất cả các ý kiến mà ngư dân trao đổi với chúng tôi đều đồng tình trước chủ trương của Đảng, Nhà nước và đang sẵn sàng đón nhận cơ hội mới để đóng tàu công suất lớn vươn ra khơi ra đánh bắt hải sản, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 
Thuyền nghề của ngư dân huyện Ninh Hải.

Ngư dân Trần Văn Hiền, ở khu phố Khánh Chử 1, thị trấn Khánh Hải, cho biết: Trước đây nhà nước cũng đã có chính sách ưu đãi cải hoán, đóng mới tàu nhưng ngư dân khó tiếp cận vốn bởi ngân hàng không cho lấy thân tàu thế chấp. Nếu Chính phủ sớm triển khai gói tín dụng để cho ngư dân vay với lãi suất ưu đãi 3%/năm; đồng thời, cho lấy tàu mới đóng làm vật thế chấp sẽ khơi thông được bế tắc lâu nay. Cùng chung niềm vui với anh Hiền, ngư dân Phạm Đài ở khu phố Khánh Tân, thổ lộ: Trong tình hình hiện nay, việc nâng công suất máy, đóng tàu lớn ra khơi xa làm nghề là xu thế chung. Tuy nhiên, trước đây các chủ tàu đánh bắt xa bờ vẫn còn chịu thiệt thòi, rủi ro. Gói tín dụng mới sẽ khơi thông nguồn vốn cho ngư dân, giảm các thủ tục rườm rà, tôi tin ngư dân mạnh dạn vay đóng tàu lớn vươn ra khơi xa bám biển dài ngày.

Khi đề cập đến tàu vỏ sắt, đa phần ngư dân đều mong ước được sở hữu chiếc tàu đóng theo công nghệ hiện đại, bởi sử dụng tàu vỏ gỗ luôn bị “lép vế” trước tàu của ngư dân trong khu vực. Anh Đinh Văn Vinh ở thôn Lạc Tân 1, xã Phước Diêm, cho biết: Tàu vỏ sắt có ưu thế vượt trội so với tàu võ gỗ. Chỉ cần mỗi Tổ đoàn kết khai thác hải sản được trang bị một tàu vỏ sắt là có thể bám trụ được dài ngày ngoài khơi xa. Có tàu vỏ sắt ngư dân yên tâm làm ăn hơn, không còn lo lắng sợ hãi. Tuy vậy, do tàu vỏ sắt giá thành cao đến 6-7 tỷ đồng/chiếc nên nếu được ưu đãi về vốn tâm lý chung của ngư dân vẫn chưa dám đóng. Để thay đổi thói quen của ngư dân chuyển tàu gỗ sang tàu vỏ sắt, theo anh Vinh trước mắt Nhà nước cần đầu tư kinh phí đóng một số chiếc cho ngư dân thuê, nếu làm ăn có hiệu quả tự khắc bà con sẽ hùn vốn đóng tàu.

Theo đồng chí Bùi Thị Anh Vân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hạn chế nhất của ngành thủy sản tỉnh ta là chưa có nhiều tàu đủ điều kiện khai thác biển xa. Toàn tỉnh có 2.660 chiếc tàu, nhưng chỉ có 22 chiếc tham gia khai thác biển xa. Nguyên nhân chính của hạn chế trên là do ngư dân thiếu vốn đóng tàu lớn. Chính sách hỗ trợ tín dụng cũng như thông tin về gói tín dụng ưu đãi trong thời gian tới sẽ tạo điều kiện thuận lợi để ngành tổ chức lại nghề khai thác hải sản theo hướng tăng cường đội tàu đánh bắt ngoài khơi xa. Để sẵn sàng tiếp nhận, quản lý có hiệu quả vốn ưu đãi, ngành Nông nghiệp đang chỉ đạo các đơn vị chức năng hướng dẫn ngư dân tổ chức lại sản xuất trên biển hợp lý. Thành lập các hợp tác xã sản xuất theo chuỗi sản phẩm khép kín từ cung ứng hậu cần, khai thác, vận chuyển đến thu mua, chế biến, tiêu thụ theo mô hình có tàu dịch vụ hậu cần trên ngư trường, phấn đấu đến 2015 tổ chức thành lập được từ 1 đến 2 nghiệp đoàn nghề cá khai thác xa bờ.