Hiệu quả Tổ hợp tác sản xuất lúa giống ở thôn Hiệp Kiết

(NTO) Tổ HTSX lúa giống ở thôn Hiệp Kiết (xã Công Hải, Thuận Bắc) được thành lập vào cuối năm 2013, có 30 hộ tham gia, với diện tích 25 ha. Công ty cổ phần Giống cây trồng Đông Nam đảm nhận cung ứng giống lúa và bao tiêu sản phẩm.

Ông Trần Văn Soan, Tổ phó Tổ HTSX lúa giống cho biết: Trước kia, khi còn sản xuất lúa thương phẩm, nhiều hộ dân lo lắng vì giá cả bấp bênh. Từ khi có Tổ HTSX lúa giống, nỗi lo ấy không còn nữa. Được Công ty cung ứng giống lúa mới như TH41, TH6 và ML202 và cam kết thu mua cao hơn với giá lúa thị trường.

Anh Tô Khắc Đức đang kiểm tra ruộng lúa mới gieo sạ của gia đình.

Quy trình sản xuất lúa giống đòi hỏi phải đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng giống phải đảm bảo theo yêu cầu của đơn vị thu mua. Cho nên, để các tổ viên nắm vững quy trình sản xuất, Tổ HTSX hướng dẫn các tổ viên từ khâu làm đất, kỹ thuật gieo sạ, bón phân, phun thuốc trừ sâu… kiểm tra, đôn đốc việc sản xuất của các tổ viên. Để tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng lúa giống, Tổ HTSX đã hướng dẫn các tổ viên áp dụng mô hình “1 phải 5 giảm” vào sản xuất, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp hạn chế thất thoát nên đạt năng suất cao, hiệu quả kinh tế rõ rệt. Với cách làm trên, trong vụ đông –xuân vừa qua, nhiều nông hộ trong Tổ đã có một mùa bội thu, năng suất lúa đạt bình quân 8 tạ/sào và được công ty thu mua với giá cao hơn thị trường tại thời điểm thu hoạch. Anh Tô Khắc Đức, tổ viên Tổ HTSX, phấn khởi: Vụ đông -xuân vừa qua, tôi canh tác 3 ha lúa giống, thu được 25 tấn, với giá bán 6.200 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình tôi thu lãi khoảng 30 triệu đồng.

Thực tế cho thấy, trên cùng một diện tích canh tác, lợi nhuận thu được từ sản xuất lúa giống cao hơn so với lúa thương phẩm. Tham gia vào Tổ HTSX lúa giống, tổ viên còn có điều kiện tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trên đồng ruộng, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế rủi ro nên nông dân rất phấn khởi và yên tâm bám ruộng.

Từ hiệu quả mang lại, trong vụ lúa hè-thu này, Tổ HTSX lúa giống ở thôn Hiệp Kiết có 75 hộ tham gia, với diện tích sản xuất lên đến 50 ha.

Ông Mai Duy Bàng, Phó Chủ tịch UBND xã Công Hải cho biết: Từ hiệu quả đạt được của Tổ HTSX lúa giống ở thôn Hiệp Kiết, trong thời gian tới địa phương sẽ nhân rộng mô hình này ra toàn xã. Thông qua Tổ HTSX lúa giống nhằm mở rộng liên kết, thay đổi tập quán sản xuất cũ, giúp nông dân làm quen với mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.