DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Đẩy mạnh thực hiện tiểu hợp phần thu hút người nghèo tham gia vào chuỗi giá trị

(NTO) Thực hiện tiểu hợp phần “Thu hút người nghèo tham gia vào chuỗi giá trị” thuộc hợp phần 3 (Dự án hỗ trợ Tam nông) đang tạo đà cho các xã xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội theo định hướng thị trường.

Theo Ban điều phối Dự án HTTN tỉnh (PCU), trong năm qua dự án đã hỗ trợ người dân các chi phí cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bẫy bả sinh học, thức ăn, cỏ giống và xây dựng chuồng trại với tổng kinh phí 301 triệu đồng. Về giống vật nuôi, đã cấp phát 111 con bò (trong đó 74 con bò cái sinh sản và 22 con bò đực giống), 303 con heo đen, 42 con dê và 42 con cừu cho các nhóm cùng sở thích và hộ nghèo với tổng kinh phí trên 2,1 tỷ đồng.

Nhóm cùng sở thích chọn nuôi bò theo mô hình Heifer ở thôn Ma Oai
(xã Phước Thắng, Bác Ái).

Đặc biệt đã triển khai 4 mô hình trồng táo an toàn, nuôi cá nước ngọt khép kín, chế biến và bảo quản thức ăn cho gia súc với kinh phí hơn 537 triệu đồng, trong đó kể cả tập huấn mô hình cho 351 nông dân. Ngoài ra dự án còn hỗ trợ thiết bị chẩn đoán và xét nghiệm phi lâm sàng cho Chi cục Thú y tỉnh trong công tác chẩn đoán và xét nghiệm bệnh phẩm vật nuôi; hỗ trợ 6 bộ dụng cụ lấy mẫu bệnh phẩm cho 6 trạm Thú y và tủ lạnh bảo quản vacxin, tủ thuốc, dụng cụ thú y, thuốc thú y, vacxin cho 6 điểm dịch vụ thú y thuộc 6 xã của các huyện Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái với tổng kinh phí 350 triệu đồng.

Tính đến nay, tại 27 xã dự án đã thành lập được 148 nhóm cùng sở thích với 2.526 thành viên, trong đó 38% là phụ nữ, 17% hộ dân tộc thiểu số và 70% hộ nghèo và cận nghèo. Tuy nhiên, hoạt động nhóm mới chỉ dừng lại ở công việc xây dựng quy chế hoạt động, tổ chức các buổi sinh hoạt định kỳ để trao đổi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh. Nhìn chung các nhóm chưa có kế hoạch đầy đủ và khả quan nên chưa triển khai các hoạt động mua chung, bán chung, chưa xây dựng được cơ chế thống nhất chia sẻ rủi ro giữa hộ khá hơn và hộ nghèo trong nhóm; hầu hết các thành viên còn hạn chế hiểu biết về thị trường tiềm năng và chưa liên kết thương mại với nhà cung cấp vật tư nông nghiệp và đơn vị kinh doanh đầu đàn (thương lái hoặc doanh nghiệp).

Để khắc phục các hạn chế trên, tiếp tục thực hiện thu hút người nghèo tham gia vào chuỗi giá trị, trong năm nay dự án đang hướng đến triển khai một số hoạt động đầu tư chính. Về chăn nuôi, triển khai cải tạo giống bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, hỗ trợ bò cái sinh sản cho các nhóm cùng sở thích chăn nuôi bò; hỗ trợ cừu sinh sản cho các hộ nghèo, cận nghèo thuộc nhóm cùng sở thích; hỗ trợ heo đen nái hậu bị cho các hộ nghèo và cận nghèo đồng bào Raglai; hỗ trợ dê sinh sản các hộ nghèo và cận nghèo. Về trồng trọt, sẽ nhân rộng mô hình canh tác chuối bền vững trên đất dốc; hỗ trợ nhân rộng mô hình sản xuất táo, nho theo tiêu chuẩn VietGAP ở 2 huyện Ninh Phước, Ninh Hải…Ngoài ra, dự án còn sử dụng nguồn vốn Quỹ Phát triển cộng đồng để hỗ trợ người dân các chi phí đầu vào như: Máy móc, trang thiết bị, xây dựng chuồng trại và hỗ trợ phân bón, cây con giống.

Theo ông Nguyễn Văn Truyền, Giám đốc PCU, tổng kinh phí thực hiện đầu tư trực tiếp cho người dân trong phát triển chuỗi giá trị năm nay là hơn 20 tỷ đồng. Để hỗ trợ cho người dân vùng dự án có thêm điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình, cải thiện đời sống sinh kế, dự án còn đẩy mạnh triển khai các nguồn quỹ tín dụng vi mô như: Quỹ tiết kiệm phụ nữ (5 tỷ đồng), Quỹ dự án cạnh tranh nhỏ (6 tỷ đồng), Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp (2,7 tỷ đồng). Có thể thấy đầu tư công cho phát triển nông thôn vì người nghèo đang được đẩy mạnh, tạo cơ hội các hộ nghèo và hộ dân tộc thiểu số tại các thôn, xã vùng dự án hưởng lợi và tham gia vào các chuỗi giá trị thuộc thế mạnh của địa phương.