Xử lý vi phạm kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm “dởm”

(NTO) Nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát và nâng cao ý thức tự giác trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) tỉnh ta đang triển khai chiến dịch tuyên truyền, mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH đối với người đi mô-tô, xe gắn máy, xe đạp máy khi tham gia giao thông.

Đội MBH để bảo vệ chính mình

Mặc dù đội MBH khi đi mô tô, xe gắn máy là bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho chính mình, nhưng vẫn có nhiều người không ý thức được điều này. Không ít trường hợp coi việc đội MBH để đối phó, tránh bị lực lượng CSGT xử phạt hơn là để bảo vệ chính mình.

Đội MBH đúng cách để bảo vệ chính mình.

Trong thực tế có khoảng 80% người dân chấp hành việc đội MBH, nhưng trong số đó, có nhiều người tuy có đội MBH nhưng không đảm bảo quy cách, chất lượng. Một phần do mua phải MBH “dởm”, phần chưa ý thức được việc cần phải đội MBH chất lượng mới bảo vệ được mình không bị chấn thương sọ não-một loại tai nạn thường gặp dễ gây tử vong khi xảy ra TNGT. Trong khi đó, tại các cơ sở kinh doanh, nhiều loại MBH kém chất lượng, mũ bảo hiểm thời trang, không đảm bảo quy chuẩn vẫn được bày bán nhiều, phục vụ yêu cầu “rẻ mà đẹp” của các “thượng đế”.

Nhằm nâng cao ý thức tự giác của người dân; xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng các loại mũ không phải MBH đối với người đi mô-tô, xe gắn máy, xe đạp máy trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh vừa có Kế hoạch số 2409/KH-UBND, ngày 23-5-2014 về việc tổ chức chiến dịch tuyên truyền và triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ không phải MBH…

Theo đó, các hoạt động tuyên truyền sẽ được đẩy mạnh với nhiều hình thức, kết hợp tổ chức ký cam kết sử dụng MBH đúng quy chuẩn nhằm nâng cao ý thức người dân trong việc chấp hành các quy định pháp luật về sử dụng MBH. Đồng thời, quản lý chặt chẽ, kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất- kinh doanh MBH giả, không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; mũ không phải MBH dành cho người đi môtô, xe máy; chưa có công bố tiêu chuẩn chất lượng, vi phạm về nhãn hàng hóa. Bên cạnh đó, tổ chức các điểm bán, đổi MBH đúng quy chuẩn lưu động, để thu hồi tiêu hủy các loại MBH cũ, kém chất lượng…

Thời gian cao điểm tuyên truyền và xử lý các vi phạm sản xuất, kinh doanh MBH giả, mũ không phải MBH bắt đầu từ ngày 20-5 đến hết ngày 19-6. Riêng đối với các hành vi người sử dụng mũ không phải MBH, đội MBH không đúng quy cách khi đi trên xe mô tô, xe máy sẽ bắt đầu tiến hành kiểm tra, nhắc nhở từ ngày 15 đến 30-6 và sẽ chính thức xử phạt từ ngày 1-7.

Đội MBH “dởm” xử phạt như không đội mũ

Thực hiện cao điểm này, trong tháng 5 vừa qua, lực lượng CSGT đã tăng cường công tác tuần tra đảm bảo trật tự ATGT, kết hợp tuyên truyền, phát hiện xử phạt các trường hợp không đội MBH, qua đó đã xử lý trên 570 trường hợp vi phạm, đồng thời nhắc nhở nhiều trường hợp đội mũ không phải MBH cho người đi mô tô, xe gắn máy.

Đại tá Từ Văn Vĩnh, Trưởng Phòng CSGT-Công an tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ xử phạt người đi xe máy đội mũ không đủ ba bộ phận gồm: vỏ mũ, lớp hấp thụ xung động (xốp) và quai mũ. Loại mũ này không được coi là MBH, núp dưới nhãn mác mũ dành cho chơi thể thao, đi bộ,... được làm bằng nhựa dạng mũ lưỡi trai rất mỏng manh. Đối với các hành vi đội mũ không phải MBH, đội MBH không đúng quy cách sẽ bị xử phạt tương đương hành vi không đội MBH. Hình thức xử phạt áp dụng theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP, ngày 13/11/2013 của Chính phủ với mức phạt tiền từ 100 ngàn đến 200 ngàn đồng.