Thức ăn hè phố - tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm

(NTO) Với chủ đề “An toàn thực phẩm thức ăn đường phố”, trong Tháng hành động Vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), các ngành, các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện các quy định về ATVSTP thức ăn đường phố. Tuy nhiên, nhiều người dân, cơ sở, hộ kinh doanh vẫn chưa có ý thức cao thực hiện công tác này.

Hàng quán vỉa hè-mối lo thường trực

Buổi chiều, dọc theo các bãi tắm từ khu vực biển Bình Sơn- Ninh Chử đến Sơn Long Thuận, hàng ngàn lượt người dân, du khách đến vui chơi, tắm biển, giải nhiệt sau một ngày nắng nóng.

Các hàng quán dọc bãi biển Bình Sơn- Ninh Chử chưa đảm bảo ATVSTP.

Đây cũng là khu vực tập trung rất nhiều hàng quán “vỉa hè”, bày bán đủ loại thức ăn từ các loại hải sản cho đến bún mắm nêm, phở, bánh tráng nướng… Quan sát một vài điểm bán hải sản, chúng tôi thật ái ngại khi thấy hải sản tuơi sống được đựng trong những chiếc thau đặt sát nhau, bên cạnh là chiếc lò nướng, bếp ga mini, khi khách yêu cầu chế biến, chủ hàng lấy ngay hải sản từ trong thau ra nướng, hấp… không cần rửa lại sạch sẽ. Sau khi chế biến xong, cũng đôi tay trần ấy bốc thức ăn cho khách, để ý kỹ đầu ngón tay hiện rõ lớp bụi bẩn đen sì! Để “làm sạch” đôi tay, chủ hàng thỉnh thoảng chùi tay vào hai bên hông lên chiếc áo khoác âm ẩm do mồ hôi quyện dầu mỡ và nước từ các lần lau tay trước đó. Trên bàn chế biến, các loại thức ăn như rau sống, mắm nem, mắm nước vương vãi bừa bộn. Dưới chân chị chủ chừng 2 mét, người phụ việc đang nhanh tay rửa đống bát, dĩa, đũa lấm đầy cát bụi qua 2 thau nước nhỏ xíu chưa đầy 5 lít. Không chỉ quy trình, dụng cụ chế biến thức ăn không bảo đảm, môi trường xung quanh các hàng ăn trông hết sức nhếch nhác, ô nhiễm với đủ loại rác thải như: vỏ nghêu, sò, túi nylon, rau… vương vãi. Mặc cho bụi bẩn, thức ăn không đảm bảo vệ sinh, hàng trăm người dân vẫn “vô tư’ thưởng thức. Khi được hỏi có nắm được một số yêu cầu cơ bản quy định về ATVSTP trong kinh doanh thức ăn đường phố, chị chủ hàng không ngần ngại trả lời: Khách ăn đông lắm, cứ theo mấy cái “thủ tục” phiền hà đó thì làm sao phục vụ kịp.

Không chỉ dọc theo bờ biển, dọc các tuyến phố, con hẻm nhỏ từ thành thị đến nông thôn vẫn tồn tại nhiều hàng quán thức ăn đường phố chưa đảm bảo ATVSTP. Đa số hàng quán đều vi phạm các quy định về kinh doanh thức ăn đường phố như: không có tủ đựng thức ăn, nước rửa thực phẩm, dụng cụ chế biến không đầy đủ, không bảo đảm vệ sinh... Điều đáng quan tâm nữa đó là một số hàng quán gần các nhà máy, cơ sở sản xuất, bệnh viện, chợ… phần lớn phục vụ cho công nhân, lao động, người dân nghèo nên giá cả rất bình dân, liệu nguồn gốc nguyên liệu chế biến thức ăn có được bảo đảm? Chị Nguyễn Thị T, chủ hàng cơm bình dân ở chợ Thanh Sơn cho biết: Bà con ở đây chủ yếu là dân lao động, hoặc cũng buôn bán như mình nên “dễ tính” lắm chẳng bao giờ xét nét, hỏi han thức ăn có sạch hay không, chỉ cần vừa miệng và rẻ là được!

Ghé vào một quán nước mía được gắn biển “nước mía siêu sạch” trên đường Nguyễn Trãi, chúng tôi thấy mía sau khi gọt bớt vỏ ngoài được đặt trong một chiếc thùng nhựa không hề có đồ che đậy tránh ruồi, bụi. Bã mía sau khi được ép được vứt thành đống cạnh thùng mía chưa ép. Vị ngọt của mía thu hút ruồi nhặng đậu dày đặc, bay đậu cả vào máy ép nước mía. Các quán “nước mía siêu sạch”, hay quán nước dừa khác, chúng tôi cũng thấy tất cả đều có “hoàn cảnh” tương tự.

Chén, dĩa tại các quán hải sản được rửa một cách sơ sài, mất vệ sinh.

Tại các quán trà chanh, trà sữa trân châu, với nhiều loại nước uống được chủ quán mới chào, cho biết là làm từ nguyên liệu thiên nhiên có tác dụng “bổ, mát” cho cơ thể như nhân trần, rong biển…, màu sắc xanh, đỏ rất hấp dẫn, giá cả lại vừa với túi tiền nên đã thu hút rất đông học sinh, thanh-thiếu niên, nhất là vào buổi trưa sau giờ tan học.

Theo khuyến cáo của ngành Y tế, hầu hết các loại thức uống này đều được pha chế từ hương liệu, đường hóa học có hàm lượng kim loại rất cao, đồng thời rất dễ nhiễm khuẩn E.coli gây tiêu chảy và ngộ độc thực phẩm.

Hãy là người tiêu dùng “thông thái”

Nhằm nâng cao ý thức thực hiện ATVSTP cho nhân dân và người kinh doanh thức ăn hè phố, trong Tháng hành động Vì chất lượng ATVSTP, Sở Y tế tỉnh đã chỉ đạo Thanh tra y tế, Trung tâm y tế các huyện, thành phố thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra, đồng thời yêu cầu các hàng quán kinh doanh thức ăn hè phố ký cam kết thực hiện tốt các quy định về ATVSTP. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhân viên y tế, việc quản lý ATVSTP đối với thức ăn, nước uống hè phố hết sức khó khăn, bởi số lượng người kinh doanh loại hình luôn biến động, đó là chưa kể những người bán hàng rong, thường nay đây, mai đó khó kiểm soát. Trong khi đó đội ngũ nhân viên y tế thực hiện công tác này lại quá mỏng, khó có thể ‘kham” hết mọi công việc từ quản lý số lượng, thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm, xử phạt…

Anh Thập Phú Cường, nhân viên thanh tra Chi cục ATVSTP cho biết: Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có khoảng 3.000 cơ sở dịch vụ ăn uống, chưa kể những hộ, cá nhân kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ không đăng ký với cơ quan chức năng, địa phương quản lý. Kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy, chỉ có một số ít cơ sở kinh doanh thức ăn hè phố thực hiện đầy đủ các quy định về ATVSTP. Do đó, thức ăn hè phố luôn tiềm ẩn cao nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Không ai khác, chính người dân cần phải nêu cao ý thức trách nhiệm, hãy là người tiêu dùng “thông thái’, biết lựa chọn cho mình loại thực phẩm an toàn nhằm bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình và gia đình.