Vấn đề hôm nay:

Không chủ quan với dịch bệnh!

(NTO) Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trong cả nước nói chung diễn biến khá phức tạp, nhất là bệnh sởi với gần 4.400 trường hợp mắc trong tổng số trên 18.070 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 62/63 tỉnh, thành phố.

Cũng theo thống kê, đã có 136 trường hợp tử vong liên quan đến sởi, điều đau lòng là trong số này hầu hết là trẻ em. Cùng với đó, bệnh tay chân miệng đã bắt đầu “vào mùa” và qua ghi nhận mới đây cả nước cũng đã có gần 18.660 ca mắc, có 2 trường hợp tử vong. Theo khuyến cáo thì sẽ không loại trừ khả năng dịch tay chân miệng bùng phát trở lại do bệnh chưa có vắc- xin phòng, hơn thế nữa đây là bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa nên khả năng lây lan rất lớn trong mùa hè này…

 
Trạm y tế thị trấn Khánh Hải tiêm chủng Vắc xin sởi cho trẻ từ 9 đến 24 tháng tuổi. Ảnh: Văn Ba

Đối với tỉnh ta, nhìn chung có khả quan hơn. Theo số liệu của ngành Y tế, chỉ tính đến đầu tháng 5-2014, nhiều loại bệnh đã được kiềm chế thấp hơn so với cùng kỳ năm trước và chưa có bệnh nào phát sinh thành dịch. Đơn cử như, bệnh sởi toàn tỉnh chỉ có 24 trường hợp mắc rải rác ở một số địa phương, cao nhất là huyện Ninh Phước có 12 trường hợp, thấp nhất là Ninh Hải 1 trường hợp mắc (chưa có ca nào tử vong). Hay bệnh tay chân miệng, toàn tỉnh có trên 300 ca mắc, cao nhất là Phan Rang – Tháp Chàm 118 ca, ít nhất là Bác Ái chỉ có 1 ca. Đáng nói là bệnh chỉ xảy ra rải rác, không có trường hợp biến chứng nặng, so với cùng kỳ đã giảm 26,8%. Đối với bệnh sốt xuất huyết, cũng trong 4 tháng qua toàn tỉnh có 26 ca mắc, giảm 60,6% so với cùng kỳ, không có ca tử vong…

Có thể nói, những kết quả trên là nhờ vào sự chủ động và phối hợp tích cực với các địa phương để phòng ngừa dịch bệnh của các đơn vị chức năng của ngành Y tế. Đồng thời qua tuyên truyền, người dân đã có ý thức hơn trong việc phòng tránh như: thường xuyên vệ sinh môi trường sống chung quanh, thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế… Tuy nhiên, cũng không thể chủ quan khi mùa khô đã đến, nhất là năm nay tình hình hạn hán đã và đang diễn ra trên diện rộng. Đây cũng là thời điểm thích hợp để các loại dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, nhất là bệnh tay chân miệng (với nguyên do như đã nêu trên), bệnh sốt xuất huyết, bệnh thủy đậu… đặc biệt là tại các địa phương đã xảy ra hạn hán do sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh; các vùng biển với mật độ dân cư đông lại sinh hoạt không hợp vệ sinh chung…

Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, không gì khác hơn là ngành Y tế cần chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện tốt công tác giám sát các loại bệnh gắn với tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất tại các địa phương trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng… Mặt khác, người dân cũng cần phối hợp tích cực với ngành Y tế trong việc phòng ngừa như tham gia các hoạt động do địa phương, ngành Y tế phát động; thực hiện ăn ở hợp vệ sinh nhất là vệ sinh cá nhân; quan tâm bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp… cũng chính là bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình mình.