Chuyện vụ án:

Chỉ vì cái nhìn “đểu”

(NTO) Đã hơn 2 năm trôi qua, nỗi đau vẫn còn hiện hữu trong gia đình anh Hải ở khu phố 4, phường Mỹ Bình, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

Mặc dù bây giờ, gia đình anh đã được UBND phường Mỹ Bình và các nhà hảo tâm trợ giúp xây cho 1 căn nhà cấp bốn tương đối khang trang, rộng rãi chứ không còn là chái nhà tạm bợ như trước, nhưng nổi đau về sự ra đi tức tưởi của con trai anh không chỉ là nỗi đau cho gia đình nạn nhân mà còn là hệ luỵ của xã hội về tội ác của một học sinh thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình.

Chỉ vì cái nhìn “đểu”

Buổi chiều định mệnh hôm ấy (6-2-2012), Lê Anh Nhựt, học sinh lớp 8, trường THCS Lê Hồng Phong cùng hai người bạn là Huỳnh Ngọc Sáng và Võ Hữu Đạt chở nhau trên chiếc xe đạp điện do Sáng cầm lái đi về nhà Nhựt chơi. Khi đến siêu thị Thanh Hà, Nhựt tình cờ phát hiện thấy một nhóm học sinh trường THCS Trần Phú, trong đó có em Vương Văn Linh, đang nhìn mình từ phía đằng xa. Cho rằng đó là thái độ khiêu khích và nhìn đểu mình, Nhựt bảo Sáng vòng xe lại đuổi theo hỏi cho ra lẻ và không quên nhặt theo cục đá làm hung khí. Khi vừa đến nơi, sau câu hỏi “tụi mày nhìn tụi tao”, Sáng đã bạt tai Linh. Còn Nhựt nhảy xuống xe, tay cầm cục đá ném thẳng vào đầu Linh khiến Linh hoảng sợ chỉ kịp lắp bắp “em có làm gì các anh đâu” và ngã gục xuống đường. Tưởng Linh giả vờ xỉu nên cả bọn lên xe bỏ đi. Còn Linh được người dân đưa đi cấp cứu, nhưng do cú ném vào chỗ hiểm nên em đã tử vong ngay sau đó vài giờ.

Tôi gặp Nhựt tại trại tạm giam Công an tỉnh trong những ngày mới bị bắt, nhìn Lê Anh Nhựt đang lầm lũi đi về phía buồng hỏi cung, tôi không nghĩ rằng đó là một tội phạm giết người. Sạch sẽ trong bộ đồng phục thể dục quần xanh, áo vàng của trường THCS Lê Hồng Phong, vẻ mặt Nhựt hiền lành và khá khôi ngô khiến tôi nhớ đến lời tâm sự của một trinh sát khi thực hiện lệnh bắt Nhựt rằng, lúc anh cúi xuống còng chân Nhựt, anh không nỡ bởi hôm ấy Nhựt vẫn đi học bình thường, vẫn sạch sẽ quần xanh, áo trắng. Vậy mà…

Suốt buổi trò chuyện, Nhựt trả lời rụt rè và nhỏ giọt. Hai bàn tay cứ đan vào nhau một cách vô thức và liên tục cúi mặt lí nhí trả lời câu hỏi.

- Em có quen biết với Linh không?

- Dạ em chỉ biết Linh qua mấy lần xem Linh đá bóng, Linh đá rất hay.

- Vì sao em kêu Sáng quay xe đuổi theo Linh?

- Vì em nghĩ Linh nhìn… đểu em.

- Nhìn đểu là nhìn như thế nào?

- Dạ, là nhìn… (ngập ngừng)… nhìn đểu.

- Lúc em ném đá trúng đầu làm Linh ngã xuống, em có nghĩ Linh sẽ bị thương hoặc chết không?

Lúc em ném đá trúng Linh, Linh nói “em xin lỗi anh” rồi ngã xuống, em tưởng Linh giả vờ xỉu nên bỏ đi, em không biết Linh chết. Em ân hận lắm. Và nó đã khóc, những giọt nước mắt đầu tiên kể từ khi bị bắt.

Hệ lụy từ gia đình và nỗi đau không thể nào nguôi

Nghe những gì mà CSKV phường Phủ Hà kể về gia đình của Lê Anh Nhựt, tôi phần nào hình dung ít nhiều nó cũng bị ảnh hưởng bởi sự thiếu quan tâm giáo dục của cha mẹ và hệ lụy từ hai người anh của nó. Ba làm thuê, mẹ buôn bán nuôi ba anh em trai của Nhựt ăn học. Rồi nhà nó tan đàn xẻ nghé từ hơn mười năm trước, mẹ nó vướng vào huê hụi, vỡ nợ hàng tỷ đồng phải bỏ trốn mấy năm trời mới quay trở về. Trong thời gian đó, anh em nó không ai chăm lo. Hai người anh trai của Nhựt bỏ học bươn chải mưu sinh và sớm dính vào “chốn giang hồ”. Người anh cả ăn cơm tù vì giải quyết mâu thuẫn bằng luật giang hồ. Người anh thứ hai cũng chẳng nên gì, tuy chưa phải ngồi tù nhưng cũng là đối tượng trong tầm ngắm của lực lượng công an. Tất yếu, Nhựt tuy còn cắp sách đến trường nhưng cũng thuộc bậc “đại ca” ở trường...

Thời điểm xảy ra vụ án cách đây hơn 2 năm, anh Hải (ba của Linh) là bảo vệ dân phố tích cực và năng nổ của phường Mỹ Bình. Tuy gia cảnh khó khăn, cả gia đình sống trong chái tôn tạm bợ hơn chục m2 bên hiên nhà hàng xóm. Vợ anh buôn bán vặt ở chợ, mỗi ngày kiếm vài chục ngàn lo cơm gạo. Linh là con trai thứ hai trong nhà, chị gái của Linh tuy học hành chăm chỉ nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên đành nghỉ học phụ mẹ bán hàng ở chợ lo cho Linh và em gái được đến trường. Không phụ lòng cha mẹ, Linh học rất giỏi và ngoan hiền. Trên vách tường chung với nhà hàng xóm, anh Hải đã trân trọng treo những giấy khen về thành tích học tập của Linh một cách tự hào.

Ngoài học giỏi, Linh còn là một năng khiếu bóng đá của trường và được tuyển chọn vào đội năng khiếu của tỉnh. Người cha tội nghiệp của Linh tâm sự “Chỉ còn hai ngày nữa là nó tập trung vào đổi tuyển năng khiếu của tỉnh, nghe đâu được hưởng trợ cấp hàng tháng, gia đình cũng rất mừng, vậy mà..” Bỏ lửng câu nói, người đàn ông đưa bàn tay thô ráp quẹt vội hai dòng nước mắt chực trào. Mẹ Linh ngồi bên cạnh không nén được nỗi nhớ con òa lên tức tưởi “Nó nói mẹ ráng mua cho con một hộp sữa con uống cho tăng chiều cao để con thi đấu cho tốt, tui chưa kịp mua…”. Lặng đi hồi lâu, bà lại tiếp tục kể về con trai của mình một cách đau đớn “Nó nói nó ráng học giỏi để được đi ra nước ngoài học. Thấy vậy tui chắt bóp để cho nó đi học thêm tiếng Anh. Hôm đó là ngày học thêm tiếng Anh đầu tiên của nó…” rồi bà òa lên “Vậy mà nó đi luôn, không về nữa rồi.”

Điều đáng lên án ở đây chính là lối hành xử theo kiểu côn đồ đã sớm tiêm nhiễm vào các đối tượng gây án khiến chúng chỉ biết thõa mãn bản tính cá nhân mà không lường trước hậu quả nghiêm trọng. Vụ án một lần nữa không chỉ là hồi chuông cảnh tỉnh tình trạng bạo lực học đường mà còn lời nhắc nhở chưa bao giờ muộn về sự quan tâm, giáo dục của các bậc cha mẹ đối với con em mình.