Hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn tối đa 50 triệu đồng để phục vụ sản xuất, kinh doanh

(NTO) Thực hiện Quyết định số 34/QĐ-HĐQT ngày 26-4-2014 của Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam, hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn tối đa 50 triệu đồng/hộ vay để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Báo Ninh Thuận đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Tú, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh xung quanh vấn đề trên.

Ông Trần Ngọc Tú
Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh

Phóng viên: Từ ngày 1-5-2014, không chỉ hộ nghèo mà cả hộ cận nghèo được vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh tối đa là 50 triệu đồng/hộ vay. Vậy Chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Thuận đã triển khai thực hiện quyết định trên như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Ngọc Tú: Thực hiện Quyết định số 34 của Hội đồng quản trị NHCSXH Việt Nam về việc nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh lên 50 triệu đồng/hộ vay, ngày 29-4-2014, NHCSXH tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các Phòng Giao dịch NHCSXH huyện báo cáo UBND huyện, thành phố và tham mưu cho Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức chính trị - xã hội cùng các Tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức tuyên truyền đến đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo và hộ cận nghèo, đồng thời phối hợp để triển khai thực hiện. Tổ chức niêm yết công khai chủ trương trên bảng thông tin của NHCSXH tại tất cả các xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó NHCSXH cũng đang phối hợp với UBND cấp xã, phường và tổ chức chính trị - xã hội cơ sở cùng Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức họp giao ban triển khai nội dung chủ trương trên để các Tổ tiết kiệm và vay vốn tiến hành sinh hoạt tổ đăng ký nhu cầu về nguồn vốn cho vay để tổng hợp lập kế hoạch xin Trung ương bổ sung vốn. Vì nguồn vốn cho vay được giao trong năm 2014 cũng rất hạn chế, đến nay chỉ tiêu nguồn vốn cho vay không còn nhiều.

Phóng viên: Theo quy định mới mức vay vốn tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo tăng hơn so với trước đây tới 20 triệu đồng/ hộ vay. Đây là chủ trương mới, do vậy NHCSXH tỉnh có giải pháp gì để quản lý tốt nguồn vốn cho vay?

Ông Trần Ngọc Tú: Hiện nay việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước được NHCSXH thực hiện theo hướng xã hội hoá, vì vậy công tác quản lý cũng phải thực hiện theo hướng này. Để quản lý tốt vốn cho vay, cần tập trung những vấn đề như sau: Trước hết thực hiện thật tốt công tác tuyên truyền để hộ nghèo và cận nghèo hiểu rõ chính sách, nhằm xác định rõ phương án đầu tư làm ăn và nhu cầu vay vốn cho phương án đầu tư; đồng thời nhận thức rõ khả năng hoàn trả lãi định kỳ và gốc khi đến hạn để tính toán mức vốn vay cho phù hợp, tránh tình trạng vay vốn về sử dụng sai mục đích ảnh huởng đến hiệu quả đồng vốn và khả năng trả nợ.

Các cấp chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở định hướng và hướng dẫn cho hộ vay về phương án làm ăn trước khi vay; theo dõi, giúp đỡ, giám sát hộ vay trong quá trình sử dụng vốn, có như vậy mới giúp được hộ vay hạn chế được các rủi ro và vốn đầu tư sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn. Để làm được điều này thì cần phải kết hơp với các cơ quan chuyên môn về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, thú y... tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh nghiệm trong kinh doanh cho bà con trước khi vay vốn, đồng thời giúp đỡ họ trong quá tình sử dụng vốn.

Tổ chức công tác bình xét vay vốn công khai, minh bạch, có sự tham gia giám sát của Trưởng ban quản lý các thôn, khu phố đảm bảo xét duyệt, đề nghị cho vay đúng đối tượng, đúng mức tiền vay đủ để đầu tư, đủ thời gian sử dụng vốn; tránh tình trạng nể nang hoặc lợi dụng kê khống nhu cầu để vay tiền về sử dụng sai mục đích dẫn đến mất khả năng trả nợ sau này.

Phóng viên: Đối với tỉnh ta, để tiếp cận được nguồn vốn này thì các hộ có nhu cầu vay phải cần có những thủ tục gì?

Ông Trần Ngọc Tú: Về thủ tục cho vay đối với hộ nghèo và cận nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn vẫn áp dụng theo quy định hiện hành, đảm bảo đơn giản. Sau khi xác định phương án đầu tư làm ăn và xác định rõ nhu cầu vốn xin vay, hộ vay chỉ cần viết giấy đề nghị vay vốn, kêm phương án sử dụng vốn vay gửi Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn để thực hiện họp Tổ bình xét vay vốn (nếu chưa làm quen sẽ được Tổ trưởng hướng dẫn), sau đó gửi UBND xã xét duyệt đề nghị NHCSXH cho vay. NHCSXH sẽ căn cứ vào đề nghị của UBND cấp xã để xem xét, kiểm tra nếu hợp lệ, hợp pháp thì sẽ phê duyệt cho vay và tổ chức giải ngân cho hộ vay tại điểm giao dịch xã vào ngày giao dịch.

Tuy nhiên để đảm bảo vốn vay có hiệu quả, đối với các hộ vay số tiền lớn phải xem xét đến khả năng tính toán, quản lý việc đầu tư sản xuất kinh doanh của hộ vay và phải giám sát chặt chẽ để tránh thất thoát, thua lỗ

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!