HỒ SƠ - TƯ LIỆU:

Ý đồ dùng vũ khí cướp tài sản bị sa lưới

(NTO) Tháng 12-1978, nhận được tin báo tại Phòng bảo vệ thuộc Công trường Thuỷ lợi Sông Pha bị kẻ gian vào trộm 2 khẩu súng (1 súng AR15 và 1 súng CKC), Công an huỵên An Sơn (huyện An Sơn lúc này bao gồm các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Bác Ái, Ninh Sơn ngày nay) liền cử một tổ công tác tiến hành điều tra làm rõ.

Trong khi đang tiến hành sàng lọc đối tượng thì trinh sát lại nhận được tin báo của anh Nguyễn Văn Ngôn - lái xe Lâm trường Quốc doanh An Sơn - cho biết: Khoảng 21 giờ ngày 20-12-1978, khi lái chạy từ Lâm trường lên Quảng Sơn, đến Km30 thì có 1 thanh niên mặc quần áo bộ đội tay cầm súng CKC từ trong bụi rậm bước ra nhưng do trên xe chở nhiều người nên đã bỏ chạy vào rừng. Trước đó, Công an xã Quảng Sơn cho biết thêm: “Khoảng 22 giờ ngày 23-10-1978 có 3 thanh niên vào chòi ông Bạch dùng dao khống chế cướp đi 1 đồng hồ và 1 xe đạp”.

Qua lấy lời khai của người bị hại và nắm dư luận quần chúng nhân dân, tổ công tác nhận định có thể thủ phạm của 3 vụ cướp nói trên là một, khả năng chúng là người địa phương, thông thuộc địa bàn đã gây án. Từ nhận định ban đầu, các trinh sát đã lần theo dấu vết và những tên tội phạm đã bị đưa ra ánh sáng…

Cuối năm 1978, Ngô Văn Quý (SN 1956, trú tại xã Quảng Sơn, huyện An Sơn, nay thuộc huyện Ninh Sơn), nung nấu ý định vượt biển trốn ra nước ngoài. Nhưng Quảng Sơn – nơi hắn ở, giáp ranh vùng núi phía Tây của tỉnh nên việc móc nối, tìm kiếm phương tiện, xăng dầu để đi tìm “miền đất hứa” quả là quá khó khăn. Nhưng không vì thế mà hắn từ bỏ mộng ước… y nảy ra ý định táo bạo là cướp súng của Công trường Thuỷ lợi Sông Pha rồi sẽ dùng súng cướp được để tổ chức chặn xe cướp xăng dầu và tài sản của nhân dân, đồng thời cướp ghe trốn ra nước ngoài.

Nghĩ là làm, tối ngày 3-12-1978, y đã đến Phòng bảo vệ Công trường Thuỷ lợi Sông Pha lấy trộm 2 khẩu súng rồi mang về nghĩa trang thôn Triệu Phong (xã Quảng Sơn, huyện An Sơn) cất giấu. Mấy ngày sau, biết cơ quan Công an đang điều tra, nên y đã chuyển súng cất dấu tại ngã ba đường vào Khu kinh tế Sông Dầu.

Hắn móc nối với 2 tên cũng đang có ý định vượt biên là Dương Công Chánh (SN 1943); Phạm Thành Lâm (SN 1957) – cả 2 đều trú tại xã Quảng Sơn, huyện An Sơn, dùng súng để cướp tài sản, kiếm ghe vượt biển đi nước ngoài. Cả bọn thống nhất rủ thêm Dương Quang Phú (SN 1951), là em ruột của Chánh cùng tham gia.

Khoảng 18 giờ ngày 20-12-1978, Quý phân công Lâm đem 2 khúc cây ra làm chướng ngại vật chặn trên đường, Phú cầm súng CKC trực tiếp ra đứng chặn xe, còn Quý giữ súng AR15 núp trong bụi cây cùng với Lâm lục soát cướp tài sản. Nhưng khi chặn được xe của anh Trần Văn Ngôn, do trên xe có nhiều người dân ở xã Quảng Sơn xin đi nhờ nên bọn chúng sợ vụ việc sẽ bại lộ đã bỏ chạy và bàn tính sẽ tiếp tục cướp vào hôm khác. Nhưng chúng chưa thực hiện được ý đồ thì ngày 7-1-1979 đã bị lực lượng Công an bắt giữ và thu hồi tang vật.

Với những hành vi phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, bọn chúng đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Thuận Hải xử phạt thích đáng, âu đó cũng là bài học cho những kẻ tìm cuộc sống giàu sang ở bên kia bờ ảo vọng.