Vấn đề hôm nay:

Thừa người - Thiếu việc

(NTO) Theo thống kê mới đây cho thấy, hiện toàn tỉnh có tổng số lao động trong độ tuổi gần 397.000 người. Trong đó, lao động thành thị chiếm 36,22% và đông nhất vẫn là khu vực nông thôn chiếm đến 63,78%. Theo đó, số lao động đang làm việc trong các ngành có trên 322.300 người, chiếm 81,34% số lao động trong độ tuổi.

Nhiều nhất là lao động trong ngành nông – lâm – ngư nghiệp chiếm 45,31%, kế đến là thương mại – dịch vụ chiếm 35,39% và ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 19,3%. Nhìn vào số liệu đã nêu thì thực tế trong tỉnh vẫn còn đến 18,66% số lao động chưa có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định, tương đương với trên 74.700 người. Đây quả là con số đáng lo ngại.

 
Công nhân Nhà máy Sản xuất khăn bông Quảng Phú vào ca sản xuất. Ảnh: Văn Miên

Có thể nói trong những năm gần đây do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế nước ta nói chung và trong tỉnh nói riêng. Điều dễ nhận ra là phần lớn các cơ sở sản xuất đã thu hẹp qui mô do lượng hàng tồn kho lớn bởi sức tiêu thụ giảm. Thêm vào đó, chủ trương của Chính phủ là thắt chặt chi tiêu công, nên cũng ảnh hưởng đến thị trường. Do vậy, số lao động trước đây vốn đã có việc làm thì nay thất nghiệp do doanh nghiệp đóng cửa hay thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Đó là chưa nói đến việc “thanh lọc” chất lượng lao động tại các doanh nghiệp làm cho không ít lao động non tay nghề, hoặc không đúng chuyên ngành đào tạo… phải rơi vào cảnh mất việc. Nghịch lý là hàng năm tại nhiều khu công nghiệp trong nước lại cần số lượng lao động khá lớn nhưng lại tuyển không đủ người bởi lẽ giữa yêu cầu của doanh nghiệp sản xuất với nghề nghiệp của người lao động lại không “gặp” nhau!

Đối với tỉnh ta, hàng năm theo báo cáo của ngành chức năng đã có không dưới 15.000 lao động được tạo việc làm mới, riêng năm 2013 là trên 15.740 người. Phần lớn trong số này đều tìm việc làm ngoài tỉnh! Tuy nhiên đây cũng chỉ là con số mang tính chất “thống kê” còn thực tế rất khó xác định. Hơn thế nữa nguồn lao động của tỉnh đa phần là lao động phổ thông nên khó tìm việc ổn định, có thu nhập cao…

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để “người tìm việc và việc tìm người” gặp nhau? Đây quả là bài toán không dễ tìm được lời giải trong ngày một ngày hai mà cần phải có chiến lược lâu dài trong việc đào tạo nghề cho người lao động, nhất là lao động ở nông thôn… Mặt khác, đào tạo nghề phải phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động, không thể đào tạo những nghề mà thị trường chưa hoặc không có nhu cầu. Đối với người học nghề cũng vậy. Cần biết lắng nghe tư vấn để chọn nghề học phù hợp với yêu cầu hơn là học theo sở thích để rồi không tìm được việc, vừa lãng phí chi phí đào tạo, vừa mất thời gian học lại nghề mới hoặc không biết phải làm gì?

Lời giải thỏa đáng cho bài toán lao động và việc làm rất cần đến sự “vào cuộc” tích cực của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội.