Người Chăm nô nức bước vào mùa lễ Rija đầu năm

(NTO) Lễ hội đóng một vai trò quan trọng trong đời sống người Chăm. Hàng năm họ tiến hành rất nhiều nghi lễ với hàng trăm vị thần linh được cầu cúng theo tín ngưỡng tôn giáo và dân gian. Đối với người Chăm Ninh Thuận đã thống kê được trên 200 nghi lễ truyền thống diễn ra hàng năm. Tuy nhiên, ngày nay số lượng này cũng có phần giảm, một số nghi lễ đã không còn thực hiện.

Trong hệ thống lễ hội dày đặc đó có thể nói hệ thống lễ Rija là một trong những lễ nghi quan trọng nhất và được duy trì, bảo lưu khá tốt. Gọi là “hệ thống” lễ vì có nhiều lễ Rija khác nhau như: Rija Nâgar (Rija xứ sở hay còn gọi là lễ Rija đầu năm), Rija Harei (Rija ban ngày hay còn gọi là lễ cúng ban ngày, lễ Múa ban ngày), Rija Dayep (Rija ban đêm hay còn gọi là lễ cúng ban đêm, lễ Múa ban đêm, người Chăm còn gọi là Klam) và Rija Praong (Rija lớn hay còn gọi là lễ cúng lớn, lễ Múa lớn).

 

 
Cầu nguyện trong lễ Rija Nugar. Ảnh: Phạm Văn Thành

Lễ Rija còn được gọi là “Lễ Múa” vì trong các lễ này yếu tố “múa lễ” đóng vai trò quan trọng và chiếm tỉ lệ lớn cũng là nét đặc sắc của lễ hội Chăm. Trong 4 loại nghi lễ Rija thì lễ Rija Nâgar là nghi lễ của cộng đồng làng của cả hai bên tôn giáo Bà ni và Bà la môn, còn các lễ khác là nghi lễ của tộc họ và gia đình.

Rija Nâgar là một nghi lễ được tổ chức vào đầu năm mới của người Chăm nên còn được gọi là lễ hội đầu năm, có ý nghĩa đón năm mới, tống ôn năm cũ, diễn ra vào thời điểm chuyển mùa vừa có ý nghĩa cầu mưa. Hàng năm cứ vào đầu tháng 1 lịch Chăm (khoảng tháng 4, tháng 5 dương lịch) khi tiếng sấm chuyển mùa vang lên đây đó là báo hiệu một năm mới của người Chăm bắt đầu. Năm mới của người Chăm trùng với thời điểm chuyển giao giữa mùa nắng và mùa mưa cũng là thời điểm chuẩn bị bước vào một vụ mùa mới (chính vụ) của một cư dân nông nghiệp lúa nước. Bước vào mùa Rija, người Chăm nơi nơi nô nức chuẩn bị tổ chức lễ hội đầu năm để đón chào năm mới và tống tiễn những tai ương, xú uế của năm cũ, cầu mong một năm mới an lành, may mắn, thuận lợi, con người khỏe mạnh, con vật sinh sôi đầy đàn, mưa gió thuận hòa, mùa màng tươi tốt…

 

 
Chức sắc Ka-ing đang múa trong lễ Rija nưgar. Ảnh: Phạm Văn Thành

Lễ Rija Nâgar có tính cộng đồng cao, không phân biệt người Chăm Awal (Bà ni) hay Ahier (Bà la môn). Tất cả các làng Chăm của hai khu vực cộng đồng tôn giáo cùng tổ chức thực hiện tuy có một số chi tiết nghi thức khác nhau. Phía người Chăm Bà la môn do ông thầy vỗ (Mâduen) và ông bóng (Ka-ing), bà bóng khu vực tôn giáo (Muk Pajuw) làm chủ lễ. Phía người Chăm Bà ni chủ lễ là ông Acar Imam và ông Acar Katip là những vị chức sắc của tôn giáo Bà ni. Ngoài ra, còn có sự tham gia của các nghệ nhân dân gian là các nhạc công đánh trống Ginăng, thổi kèn Saranai, đánh chiêng, trống. Ông bóng Ka-ing đóng vai trò quan trọng trong lễ, thực hiện nghi thức múa lễ và thay mặt dân làng giao tiếp với thần linh để cầu phúc, cầu mùa, cầu mưa, cầu mọi sự tốt lành cho dân làng trong năm mới.

Rija Nâgar cũng như các lễ Rija khác chứa đựng và bảo lưu nhiều giá trị văn hóa trong đó có nghệ thuật diễn xướng dân gian, âm nhạc và múa. Tất cả các điệu nhạc trống Ginăng, một số làn điệu dân ca và các động tác múa truyền thống dân tộc Chăm hầu như đều có xuất xứ từ các lễ Rija và được bảo tồn rộng rãi trong đời sống người Chăm cho đến ngày nay. Ngoài ra, qua lễ Rija Nâgar các giá trị cộng đồng được phát huy tính tích cực như tinh thần trách nhiệm, tương thân tương ái, tình đoàn kết xóm giềng, đoàn kết giữa các cộng đồng làng và tôn giáo khác nhau…

 

 
Chức sắc Ka-ing đang múa trong lễ Rija nưgar. Ảnh: Phạm Văn Thành

Thường thì lễ Rija Nâgar được tổ chức chính thức trong hai ngày, vào ngày thứ Năm (còn gọi là ngày vào) và ngày thứ Sáu (còn gọi là ngày ra) của tuần. Tuy nhiên, trước đó các công việc chuẩn bị cho lễ cúng đã được triển khai sắp xếp chu đáo, đặc biệt, lễ tẩy uế được thực hiện trước đó một ngày (tức vào ngày thứ Tư). Theo qui định, ngày thứ Năm cúng gà và ngày thứ Sáu cúng dê nên người Chăm có câu “vào cúng gà, ra cúng ngạnh (dê)”. Năm nay lễ Rija Nâgar của người Chăm Ninh Thuận được diễn ra trùng hợp với kỳ lễ 30/4, 01/5 mừng giải phóng hoàn toàn miền Nam và Quốc tế Lao động nên không khí lễ hội càng nô nức hơn bao giờ hết. Đồng bào Chăm chuẩn bị đón chào một năm mới với niềm vui hân hoan phấn khởi và niềm tin về những điều tốt lành đang đón chờ ở tương lai phía trước. Vì bao giờ cũng vậy, kết thúc lễ cúng Rija Nâgar là những cơn mưa đầu mùa đổ xuống tắm mát các cánh đồng; người nông dân Chăm lại tất bật với công việc đồng áng gieo trồng, cày cấy cho một vụ mùa mới hứa hẹn bội thu.