Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về Giáo dục mầm non giai đoạn 2006-2013

(NTO) Ngày 23-4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh do đồng chí Nguyễn Bắc Việt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh và các sở, ban ngành liên quan giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về Giáo dục mầm non giai đoạn 2006-2013 trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.

Tính đến tháng 3-2014, toàn tỉnh có 210 cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có 90 trường và 120 cơ sở nhóm, lớp. So với năm 2006, mạng lưới trường, lớp mầm non hàng năm đều tăng, đã xóa được xã trắng về giáo dục mầm non ở các xã miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người. Đến nay, 100% trường, lớp mầm non trong toàn tỉnh đã thực hiện giáo dục mầm non mới; 100% lớp mẫu giáo 5 tuổi thực hiện bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi. Số lớp mẫu giáo 5 tuổi học 2 buổi/ngày chiếm 85,7%. Các địa phương đã có nhiều biện pháp tích cực và hình thức sáng tạo, phong phú trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ; không có hiện tượng ngộ độc thực phẩm xảy ra trong nhà trường. Các chính sách hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số khá đầy đủ, góp phần tích cực trong việc nâng cao tỷ lệ huy động ra lớp và duy trì sỹ số học sinh. Toàn tỉnh đã có 70/90 trường mầm non triển khai thực hiện công tác tự đánh giá trường học, trong đó có 11 trường đạt cấp độ 1 và 1 trường đạt cấp độ 2. Về đội ngũ giáo viên, toàn tỉnh hiện có 1.234 cán bộ, giáo viên mầm non, tăng 376 cán bộ, giáo viên so với năm 2006. Đội ngũ giáo viên hầu hết đều được đào tạo chính quy, trình độ giáo viên đạt chuẩn trở lên chiếm 89,7%, trong đó trên chuẩn là 47,7%, tăng 39,9% so với năm 2006.

Đồng chí Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Tuy nhiên, do còn khó khăn về cơ sở vật chất và kinh phí nên tỷ lệ huy động trẻ ra lớp còn thấp so với toàn quốc và các tỉnh trong khu vực, trong đó nhà trẻ là 2.704 cháu, đạt tỷ lệ 13,1%; trẻ mẫu giáo là: 18.940 trẻ, đạt tỷ lệ 67,3%. Toàn tỉnh hiện vẫn còn xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam và 2 phường: Mỹ Hương, Mỹ Hải của Tp. Phan Rang – Tháp Chàm chưa có trường mầm non công lập. Nhiều cơ sở, phòng học mầm non hiện đã xuống cấp, không có tường rào, sân chơi… dễ xảy ra nguy cơ tai nạn thương tích cho trẻ.

Tại buổi làm việc, đồng chí Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thay mặt UBND tỉnh kiến nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ Nội vụ quan tâm, bổ sung thêm biên chế cho ngành giáo dục của tỉnh, đặc biệt là cấp học mầm non.

Đồng chí Nguyễn Bắc Việt, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non thời gian qua trên địa bàn tỉnh và đề nghị thời gian đến, tỉnh cần quan tâm hơn đến công tác huy động trẻ dưới 3 tuổi ra lớp; phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức mặt trận, đoàn thể vào công tác huy động trẻ ra lớp, phòng chống suy dinh dưỡng, xã hội hóa giáo dục; đẩy mạnh công tác dạy tiếng Raglai cho giáo viên mầm non; thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng của các cơ sở giáo dục mầm non tư thục…

► Buổi chiều cùng ngày, Đoàn giám sát tiếp tục làm việc với UBND Tp. Phan Rang – Tháp Chàm và khảo sát thực tế tại Trường Mầm non Bình Minh, đóng trên địa bàn thành phố.

Đồng chí Nguyễn Bắc Việt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Theo báo cáo của UBND Tp. Phan Rang – Tháp Chàm, toàn thành phố hiện có 90 cơ sở giáo dục mầm non, tăng 29 cơ sở so với năm học 2006-2007, trong đó hệ công lập là 16 trường; hệ tư thục có 14 trường, 22 lớp mầm non và 38 nhóm trẻ. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ (0-2 tuổi) ra lớp đạt 26,6%; độ tuổi mẫu giáo (3-5 tuổi) đạt 89,9% và trẻ 5 tuổi đạt 98,65%. Thành phố hiện có 3 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ I, 13 trường công lập có đủ phòng học cho các lớp 2 buổi/ngày và 3 trường có lớp mẫu giáo 5 tuổi dạy 2 buổi/ngày, bước đầu đảm bảo các điều kiện thuận tiện để thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn 4,3%; suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm còn 5,2%. Đến tháng 9-2013, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm công nhận được 9/16 xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt 56,25% theo kế hoạch. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 3 phường chưa đủ điều kiện, thiếu phòng học để tổ chức cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi học 2 buổi/ngày; phường Mỹ Hương, Mỹ Hải không có trường mẫu giáo công lập…

Đến thăm và làm việc với Trường Mầm non Bình Minh, cơ sở 2, đóng trên địa bàn phường Phước Mỹ, đồng chí Nguyễn Bắc Việt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của tập thể nhà trường và cho rằng, đây là một trong những mô hình xã hội hóa giáo dục hiệu quả cần được nhân rộng.