Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thuận Bắc: Vận động hội viên đoàn kết, phát triển kinh tế

(NTO) Nhằm tập hợp, thu hút hội viên theo hướng đa dạng hóa các mô hình, Hội Phụ nữ huyện Thuận Bắc đã vận động các tầng lớp phụ nữ tham gia các câu lạc bộ (CLB), tổ, nhóm sinh hoạt để cùng chia sẻ, giúp nhau trong cuộc sống. Trong đó, chú trọng tập trung vào một số đối tượng đặc thù như nữ thanh niên, phụ nữ dân tộc thiểu số...

Nhiều tổ phụ nữ, CLB đã phát huy hiệu quả như tổ Phụ nữ không sinh con thứ 3, tổ Phụ nữ không có người thân mắc các tệ nạn xã hội, tổ Tiết kiệm mùa xuân, tổ Phụ nữ tiết kiệm làm theo lời Bác; CLB “Nuôi con bằng sữa mẹ”, CLB “5 không, 3 sạch”, CLB “Đơn thân nuôi con thành đạt”, CLB “Phòng chống trẻ em suy dinh dưỡng”… Hội còn thường xuyên kiện toàn, phát triển tổ chức Hội, đến nay toàn huyện đã có có hơn 7.300 hội viên, sinh hoạt 6 cơ sở hội và 33 chi hội.

Phụ nữ xã Công Hải (huyện Thuận Bắc) thi đua sản xuất góp phần xây dựng nông thôn mới.
Ảnh: Sơn Ngọc

Đồng chí Nguyễn Thị Lụm, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Thuận Bắc cho biết: Phát huy dân chủ, nhiều cấp Hội còn chủ động, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền bằng việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp phụ nữ thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của phụ nữ đến các cán bộ, hội viên.

Nhằm giúp chị em có điều kiện phát triển kinh tế, Hội Phụ nữ huyện đã tranh thủ các nguồn vốn 120, vốn tiết kiệm Vì phụ nữ nghèo, vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và vốn từ các tổ chức Phi chính phủ để tạo điều kiện cho trên 2.623 hội viên được vay hơn 46,7 tỷ đồng. Hội cũng đã phối hợp với Ban Điều hành Dự án Oxfam tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, kết hợp hỗ trợ heo giống cho hàng trăm phụ nữ dân tộc Raglai; phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện tư vấn giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, nhất là tạo việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Để chị em thêm gắn bó, tạo điều kiện giúp đỡ nhau trong cuộc sống, các tổ hội đã có nhiều hình thức tiết kiệm để tạo vốn xoay vòng như mô hình Tiết kiệm làm theo Bác, tiết kiệm mùa xuân, hũ gạo tiết kiệm. Cùng với các hoạt động trên, các cấp hội đã duy trì phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình thông qua các hoạt động như vận động chị em vần đổi công lao động, hỗ trợ giống, nuôi bò rẻ và hỗ trợ trao đổi kiến thức, kinh nghiệm làm ăn. Qua đó, góp phần xây dựng mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Đồng chí Nguyễn Thị Lụm cho biết thêm: Gắn với việc xây dựng tổ chức Hội, các cấp Hội còn lồng ghép với 2 cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” và “Ngày vì người nghèo”. Thông qua 2 cuộc vận động này, nhiều cấp Hội đã cụ thể hóa thành các tiêu chuẩn cụ thể để chị em phấn đấu thực hiện. Phát huy vai trò của người phụ nữ, chị em đã tích cực tham gia vận động trẻ em đến trường trong độ tuổi và vận động học sinh bỏ học ra lớp; vận động thanh niên địa phương tích cực thi hành nghĩa vụ quân sự. Định kỳ tổ chức thăm, tặng quà động viên cán bộ chiến sỹ; thăm các gia đình có công với cách mạng…