I.Rèn luyện kỹ năng ôn tập Lịch Sử:
1. Kỹ năng ghi nhớ các sự kiện lịch sử:
Học lịch sử không bắt buộc HS phải học thuộc lỏng một cách máy móc, song phải biết ghi nhớ, hiểu một số sự kiện quan trọng gắn với niên đại, địa danh, nhân vật lịch sử, nếu không thì không thể làm tốt bài thi lịch sử. Bởi vì,bài lịch sử không thể viết như bài chính trị mà cần có sự kiện để minh chứng.
Muốn ghi nhớ tốt sự kiện lịch sử, học sinh phải tự tìm cho mình một cách nhớ riêng, để sau mỗi lần học xong các bài, các chương …các em còn đọng lại trong mình các sự kiện cần nhớ.Sau đây là vài gợi ý về cách ghi nhớ:
*Ghi nhớ thời gian xảy ra sự kiện lịch sử. Các em cần có kỹ năng ghi nhớ logic, biết tìm ra điểm tựa để nhớ, có thể lập dàn ý, hệ thống hóa.
-Các em có thể ghi nhớ máy móc mối quan hệ giữa hai sự kiện, giữa thời gian và địa điểm xảy ra sự kiện. Ví dụ: khi học bài Chiến dịch lịchsử Điện Biên Phủ, khi học phần diễn biến, có 3 đợt, đợt 1 bắt đầu là ngày 13/3/1954 ta quan sát ý và ghi nhớ các sự kiện cách đều:13,15,17/3/1954(cách đều 2 ngày), hoặc khi học phần Chiến dịch Tây nguyên trong bài 21, các em quan sát sẽ thấy ngày 4/3,14/3,24/3 (cách đều 10 ngày).
*Ghi nhớ các nhân vật lịch sử:
Thông thường trong lịch sử mỗi sự kiện đều gắn với những nhân vật nhất định, theo tôi có hai cách: một là lấy người để nói việc, hai là lấy việc để nói người. Ví dụ: khi nói đến Tuyên ngôn độc lập ta nhớ ngay đến Hồ Chí Minh, hoặc khi nói về chiến thắng Điện Biên Phủ, ta nghĩ ngay đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
2. Kỹ năng khái quát, tổng hợp các sự kiện lịch sử:
Khái quát và tổng hợp là một yêu cầu rất quan trọng trong học tập lịch sử. Trên cơ sở nắm vững từng sự kiện phải biết xâu chuỗi lại thành một hệ thống các sự kiện thể hiện bản chất của một thời kỳ hoặc một giai đoạn lịch sử với những nét nổi bật của nó. Ví dụ: khi học xong giai đoạn 1930-1945,ta phải biết khái quát, tổng hợp để chứng minh Cách mạng tháng Tám phải chuẩn bị trong 15 năm (với các lần diễn tập: 1930-1931, 1936-1939, 1939-1945) mới có thắng lợi trong vòng 15 ngày.
Trước hết, các em phải biết lựa chọn những sự kiện tiêu biểu trong từng bài, trên cơ sở đó sắp xếp, hệ thống hóa kiến thức theo thứ tự thới gian.Ví dụ:Khi học về quá trình hoạt động của Nguyễn Ái Quốc từ 1919-1925, các em phải khái quát các sự kiện cơ bản và mang tính liên tục về thời gian (1919 đưa yêu sách đến Hội nghị Verseille, năm 1920 đọc sơ thảo luận cương của Lê nin, bỏ phiếu tán thành tán thành Quốc tế III và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp,1921…,1922…,1923…,1924…,1925…Khi đã nêu được các mốc thời gian quan trọng, ta dựa vào đó viết các sự kiện và bài lịch sử khái quát tổng hợp.
3. Kỹ năng liên hệ so sánh, đối chiếu tài liệu lịch sử:
Các em phải biết liên hệ so sánh, đối chiếu tài liệu lịch sử đang học với hiện tại. Nắm vững sự kiện đang học và hiểu rõ tình hình, nhiệm vụ hiện nay.
-Một là, rút ra bài học kinh nghiệm của quá khứ cho hiện tại.Ví dụ: bài học kinh nghiệm về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
-Hai là, so sánh, đối chiếu hai sự kiện khác nhau để rút ra bản chất của chúng. Ví dụ:so sánh điểm khác nhau cơ bản giữa Hiệp định Giơnevơ 1954 và Hiệp định Paris 1973 để thấy bước tiến của ta trong đấu tranh ngoai giao.
4. Kỹ năng lập bảng thống kê các niên đại,sự kiện lịch sử:
Để nắm vững, nhớ lâu các mốc thời gian diễn ra sự kiện, các em phải lập bảng thống kê về niên đại và sự kiện lịch sử vừa giúp các em hệ thống hóa toàn bộ các sự kiện theo từng chương, từng giai đoạn hoặc cả một quá trình lịch sử.
5. Kỹ năng làm một số bài tập thực hành cần thiết để ghi nhớ các sự kiện lịch sử.
Bài tập lịch sử nhằm phát triển tư duy học tập lịch sử. Trong các năm gần đây,chúng ta thường găp các dạng đề theo kiểu bài tập lịch sử, nếu không tập làm quen và không có khả năng hiểu biết về bài tập lịch sử sẽ lúng túng khi tiếp xúc với đề ra.Ví dụ:Vì sao Cách mạng tháng Tám là một biến cố lịch sử đối với dân tộc Việt Nam? Hay là Vì sao Cách mạng tháng Tám giành thắng lợi nhanh chóng, ít đổ máu?
II.Rèn luyện kỹ năng làm bài thi Lịch Sử
1. Kỹ năng đọc và hiểu đề thi:
-Khi tiếp xúc với đề thi, các em phải đọc kỹ đề hiểu yêu cầu đề nhằm tránh tình trạng xa đề, lạc đề, không phân phối đủ thời gian cho bài viết.
-Đọc kỹ đề và viết ra giấy nháp những cụm từ quan trọng, nội dung cơ bản của đề thi và những vấn đề cốt lõi về yêu cầu của đề. Trên cơ sở đó bắt đầu suy nghĩ với đề ra như vậy, sử dụng những kiến thức nào để làm bài. Trong thực tế nhiều năm qua, có nhiều học sinh nắm rất vững kiến thức nhưng khi tiếp xúc với đề thi, không đọc kỹ để hiểu yêu cầu của đề đã vội vàng làm bài nên kết quả bị điểm thấp.
-Sau khi đọc kỹ đề, các em phải hiểu đề. Đầu tiên các em bỏ một thời gian nhất định để suy nghĩ, phân tích, tìm hiểu những yêu cầu, nội dung cơ bản của đề, tức là nêu những đòi hỏi của đề cần tập trung giải quyết. Hiểu được yêu cầu của đề sẽ giúp các em định hướng cho cách làm bài của mình.
2. Kỹ năng xây dựng dàn bài bài viết (đề cương)
-Xây dựng dàn bài của bài viết nhằm đáp ứng những yêu cầu cơ bản của bài, giữ được sự cân đối giữa các phần, chủ động được thời gian làm bài.
-Cần tránh hai việc: một là,lập đề cương quá sơ lược,không định hướng được bài viết,khi viết sẽ rất tùy tiện;hai là,lập đề cương quá chi tiết,mất nhiều thời gian,ảnh hưởng đến việv hoàn thành bài viết.
3. Kỹ năng phân bố thời gian làm bài
Trong thực tế nhiều năm qua,không ít học sinh làm bài môn thi xã hội nói chung và làm bài thi môn lịch sử nói riêng thường vướng lạm dụng về thời gian.Việc bố trí thời gian để trả lời các câu hỏi như thế nào là rất cần thiết. Trước hết,chúng ta phải xác định câu nào có số điểm cao nhất, yêu cầu lượng kiến thức nhiều nhất, chúng ta dành thời gian nhiều nhất cho các câu đó. Phải tránh tình trạng học câu nào thuộc thì chăm chú làm câu đó mà không biết phân định về thời gian.
III. Nhận dạng đề thi lịch sử thường gặp.
-Đề thi tìm hiểu diễn biến của sự kiện lịch sử.
-Đề thi xác định nguyên nhân thành công của một sự kiện lịch sử.
-Đề thi yêu cầu lập bảng niên biểu về các sự kiện lịch sử.
-Đề thi xác định,phân tích tính chất của sự kiện lịch sử.
-Đề thi xác lập mối quan hệ nhân quả giữa các sự kiện lịch sử thế giới với Việt Nam.
-Đề thi xác định tính kế thừa giữa các sự kiện,giai đoạn,thời kỳ lịch sử.
-Đề thi tìm hiểu khuynh hướng phát triển của một sự kiện,một thời đại hay một xã hội nói
chung.
-Đề thi tìm hiểu ý nghĩa của sự kiện và rút ra bài học kinh nghiệm đối với ngày nay.
IV. Những lỗi Học sinh thường mắc phải khi làm bài.
-Do không nắm vững kiến thức nên dẫn đến “bịa” các sự kiện lịch sử.
-Do nhầm lẫn các sự kiện, niên đại, nhân vật lịch sử dẫn đến tình trạng”lấy râu ông nọ, cắm cằm bà kia”
-Bài làm mang nặng tính chính trị, không nêu được các mốc thời gian cụ thể.
-Chi tiết hoá các sự kiện mà không quan tâm đến tính khái quát, tổng hợp.
-Dùng nhiều từ ngữ hoặc kiến thức văn học để miêu tả các sự kiện.
-Làm bài diễn đạt còn lúng túng, sai lỗi chính tả, chữ cẩu thả, bôi xóa lung tung.không chuyển mạch, chuyển ý.
-Không xác định được yêu cầu của đề nên lạc đề, xa đề.
Với chút kinh nghiệm giảng dạy,tổng hợp lại, tư vấn cùng các em trong mùa thi 2014 này. Chúng tôi rất mong các em học tốt bộ môn và làm bài đạt điểm như ý.
Huỳnh Thị Hoàng Diệu
GV Lịch sử Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn