Miền quen

(NTO) 1. Nó vội vàng đến góc thư giãn của các bác hưu trí như mọi ngày chủ nhật khác. Tuần nào cũng vậy, khoảng bốn giờ chiều là nó có bổn phận mang chai rượu “sơ ri-sen”; một loại rượu mà các bác hưu trí ấy rất thích. Nó chỉ biết loại rượu này vừa ngon, vừa mát; uống vào là ăn ngon, ngủ yên như các bác thường nói.

Nó cũng chẳng để tâm tìm hiểu thực hư làm gì vì thứ ấy chỉ dành riêng cho các bác. Nó thấy vui vì đến với các bác, bỗng dưng nó trở thành người lớn. Các bác hưu trí ấy đối với nó tử tế lắm. Mỗi chủ nhật nó lại đến và tự cho mình là thành viên của tổ hưu trí ấy. Đổi lại các bác hưu trí cũng quen dần và coi nó như “chiến hữu” . Thiếu, vắng nó là các bác không vui. Chỉ là rót rượu, nướng vài món khô hoặc chạy mua lặt vặt thức nhắm...Nó cũng được dùng món sơ ri ngâm hoặc nước sen thay rượu. các bác hưu trí cũng dành cho nó một suất như...người lớn. Nói là các bác chứ kỳ thực chỉ có bốn vị đều trên tuổi sáu mươi. Người lớn tuổi nhất đươc gọi là ông Hai tròn sáu mươi chín.Ông Ba sáu mươi bảy; ông Tư sáu bốn; Ông Năm sáu mốt và nó được các bác gọi là Tèo út.

- Hôm nay Tèo út lề mề quá...

- Chắc là nó kẹt chuyện gì chăng?

- Để tôi xem...

Người vừa nói “để tôi xem” là ông Năm vội rút điện thoại di động. Mấy bác còn lại tròn xoe mắt nhìn!

- Tèo ơi! Con ở đâu?

Tiếng của nó vang lên từ chiếc máy điện thoại của ông Năm “ Dạ, con đang tới. Hôm nay ông chủ quán rượu lén theo con để đến chỗ các bác. Con không biết làm sao”...

Bác Năm nhìn dò ý, các bác hưu trí gật đầu.

- Ờ! Lỡ như vậy thì con mời chủ quán tới luôn...

Như mọi chiều chủ nhật, nó đến quán rượu “Sơri-sen”. Chủ quán và giao rượu vừa hỏi:

- Em lấy rượu này cho ai?

- Dạ! chỉ có mấy cụ hưu trí. Họ đều chung một tổ cựu chiến binh, trong đó ông Hai làm tổ trưởng và cũng là người đưa ra ý kiến về việc dùng rượu này. Mà...anh hỏi làm gì?

- Ờ! Hơi tò mò tí thôi em...

Nó quay đi nhưng có cảm giác như một người nào đó đang bí mật lần theo. Bất chợt, nó rẽ ngoặc rồi phát hiện ông chủ quán.

- Anh theo em làm gì?

- Ờ! Không có gì đâu em. Cũng tò mò muốn biết những ai thường dùng rượu nhà anh vậy thôi...

-À! Ra thế ...

Nó vui khi ông Năm đồng ý mời chủ quán cùng đến.

2. Chủ quán rượu Sơri-sen nhanh chóng hòa nhập vào nhóm các bác hưu trí và được nhận làm “khách mời danh dự”. Hôm ấy, mọi người mới vỡ lẽ là ông Năm đã tặng nó chiếc di động để tiện liên lạc. Cũng hôm ấy, nó được ông chủ quán rượu cho biết Sơri hay còn gọi là “kim đồng nam” trồng nhiều ở Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang có nguồn gốc tận bên Tây Ấn và miền bắc Nam Mỹ. Chủ quán cho nó biết rượu Sơri-sen là món đặc sản chỉ có ông với bí quyết gia truyền mới làm được. Bao nhiêu năm sinh sống ở quê, từ Gò Công lặn lội qua Đồng Tháp tìm hạt sen về chế biến. Thấy nó đều đặn chiều chủ nhật nào cũng đến mua loại rượu này nên tò mò theo xem ai là người dùng thứ rượu gia truyền. Rất may là hôm ấy, ông Hai đã tìm được con trai của người thân, rất thân với ông trong những năm tháng chiến tranh. Nó và các bác hưu trí đã không cầm được nước mắt khi ông Hai nhận ra chủ quán rượu là người mà ông tìm kiếm bấy lâu nay. Qua câu chuyện ông Hai kể lại nó biết vào ngày ba mươi tháng tư năm một chín bảy lăm, Ba của anh chủ quán rượu đã anh dũng hy sinh. Trước khi nhắm mắt. Ông căn dặn Bác Hai nhớ về Gò Công quê ông để tìm mẹ con “Sơri-sen”...

- Thưa chú! Con có linh tính như gặp người thân khi mỗi chiều chủ nhật thằng bé này đến mua rượu Sơri-sen..

-Trời ơi! Chú thật có lỗi với Ba con...

Họ ôm nhau khóc. Nước mắt của họ như dồn nén mấy chục năm trời đến giờ ấy mới được khơi dòng. Nó cũng đã khóc; những bác hưu trí cũng khóc như nó. Những giọt nước mắt miền quen ấy đã gắn cuộc đời nó với anh chủ quán đậm đà hơn, gắn với ông Hai và các bác hưu trí sâu sắc, mặn mà hơn...

3. Nó vui lắm vì ngày ba mươi tháng tư năm nay, chủ quán rượu Sơri-sen, “anh sáu Sơri- sen” và các bác hưu trí về thăm miền đất Gò Công...

- Năm nay chúng ta về Gò Công thăm anh ấy...

Câu nói của Bác Hai được mọi người hưởng ứng. Ai cũng náo nức “Đó là chuyện đương nhiên, chuyện phải làm”. Từ khi biết và được các bác hưu trí “kết nạp” vào tổ, nó hiểu ông Hai nguyên là một Đại đội trưởng đơn vị đặc công khi vừa tròn hai mươi tuổi; ông Ba, ông Tư đều là lính đặc công cấp dưới của ông Hai; ông Năm là lính pháo. Họ như anh em một nhà. Người nào cũng nhiều chiến tích và thương tích. Nó mong ước trở thành người lính để tiếp nối chặng đường các bác đã đi qua... Chiếc xe mười chỗ ngồi băng băng hướng về miền đất Gò Công. Nó ngồi trên xe, lần đầu tiên trong đời nó có chuyến đi xa như thế. Nơi nào đi qua, miền đất nào đi qua nó đều thấy đó là miền quen...