Phố lộc vừng

(NTO) Một hôm đến nhà người bạn chơi, thấy trong hàng chậu kiểng có cây vừng tuy còn non, chưa ra dáng nhưng được chủ nhân đặt một nơi trang trọng, tôi lấy làm lạ. Cứ tưởng bạn nhớ lại những ngày ở quê thường ra bìa gộp (những đồi đá thấp) hái đọt vừng về chấm mắm nêm.

Đọt vừng có vị chát chát, thơm thơm như đọt mận, đọt ổi. Ở quê thì ăn được nhiều lá lắm. Đói ăn rau, đau uống thuốc mà. Vả lại, bất kể ngon dở, các bà mẹ quê luôn bảo lá nào ăn vào cũng có chất thuốc. Từ lá có trồng trong vườn nhà như đọt xoài, đọt mận, đọt ổi, đọt chùm ruột,…cho đến các loại lá rừng như lá xào dông dùng để ăn với thịt dông, lá giang dùng để nấu canh thịt gà, đọt vừng, lá cách, lá sam nam, lá bập bợ,…

Nghe tôi hoài niệm, bạn cười. Bạn hỏi tôi có nghe nói tới bộ tứ cây kiểng: sanh, sung, tùng, lộc chưa? Ra vậy. Trời ơi, có lạ gì đâu. Thời còn là nàng Tấm ở quê, vừng đứng góc ruộng, bìa rẫy làm rào định phân địa giới. Vừng hoang dại đứng bờ mương, bờ sông che bóng cho lũ trẻ chăn trâu, chăn dê. Vừng mọc tràn lan trong gộp, trên rừng cùng với bằng lăng, nhông, chùm bầu, chang chang,…những loài cây hoang dại vô danh và không có giá trị về gỗ chỉ được người ta đốn về làm củi. Ngày ấy, vừng còn là củi. Cho đến một ngày, gặp được hoàng tử, được gọi đúng tên chữ: Lộc Vừng. Nàng Tấm lên ngôi hậu từ đó.

Cũng vì cái tên có kèm thành tố “Lộc” mà lộc vừng bị săn lùng một cách ồ ạt. Ôi chao loài cây hoang dại ấy thật đẹp vào mỗi độ thay lá! Nhưng những mùa lá chín vàng rộm, rồi đỏ ối của nó chỉ hấp dẫn lũ trẻ mót củi, lũ mục đồng những trưa trốn nắng hay những buổi chiều vừa nô đùa vừa lùa đàn gia súc giữa thiên nhiên hào phóng chứ chưa một lần có giá trị thẩm mỹ trong mắt người lớn. Mà có gì lạ đâu, người lớn nhà quê làm gì có thời gian mà đắm say với phút giây cây thay áo mới. Họ còn lo vun xới giàn bầu, đám mướp, giồng lang, luống cà,…Họ lo cái ăn tức là sợ đói cái bụng hơn là đói con mắt.

Thường thì chỉ những nhà khá giả mới chơi cây kiểng. Cây kiểng phải có thời gian chăm sóc, tỉa tót, hợp với những người nhàn hạ. Cây kiểng cũng cần có không gian trưng bày phù hợp, nghĩa là phải có nhà cửa tươm tất, có sân thoáng rộng, sạch sẽ đàng hoàng. Thú chơi cây kiểng được xem là thú chơi thượng lưu quý tộc, thú chơi của nhà giàu. Nói không khéo làm chạnh lòng nhà khó. Không phải người nghèo không biết thưởng thức cái đẹp, nhất là cái đẹp thôn dã đã quen thuộc với họ. Nhưng dẫu sao có tiền để làm ăn, chi tiêu, dành dụm với người nghèo vẫn thiết thực hơn. Vì vậy mà một khi lộc vừng được người phố để mắt đến thì người quê chở cây về phố đổi tiền.

Theo lời ông bạn, tôi để ý và phát hiện một điều thật thú vị: ở phố tôi đi đâu cũng gặp lộc vừng. Và đâu đâu cũng nghe người ta tôn vinh giá trị của lộc vừng chính từ cái thành tố “lộc” trong tên gọi của nó. “Lộc” là chữ đứng thứ hai trong Tam đa “Phúc, Lộc, Thọ” mà người ta dùng để viết thành thiệp tết chúc nhau mỗi dịp xuân về. Tam đa cũng mặc nhiên được xem như là khát vọng sống lớn lao nhất của con người. Đem lộc vừng về nhà là đem lộc về nhà. Lộc là may mắn, là đỗ đạt, thành tài, viên mãn. Từ một loài cây kiểng có dáng đẹp, gốc và lá gây được ấn tượng và nhất là hoa từng chùm thả dài mền mại và có hương thơm rất lạ, lộc vừng được “lên giá” bằng một niềm tin mong manh vì nó là lộc, biểu tượng của may mắn, thành công.

Tư gia, lộc vừng. quán cà phê, lộc vừng…. Tùy vào túi tiền, không gian kiến trúc và ý thích người chơi mà lộc vừng đủ kích cỡ, độ tuổi từ những gốc cổ thụ uy nghi dáng vẻ sần sùi già nua cho đến những cây thân còn non choẹt đứng lẻ loi trong chậu kiểng. Chúng có xuất xứ từ thiên nhiên hoang dã. Bây giờ dẫu có là đại gia cũng thật khó tìm những cây lộc vừng vừa to vừa đẹp vì người ta đã lùng hết chúng rồi. Thi thoảng vẫn thấy vài chiếc xe đạp cũ kỹ đèo một vài gốc lộc vừng bán dạo, loại vừa nhỏ vừa xấu bị chê nên còn sót lại.

Rồi đây không biết núi rừng hoang dã có còn sót lại cây lộc vừng nào không? Có khi đến một ngày những đứa trẻ nhà quê muốn biết lộc vừng thay lá ra sao phải về phố mà ngắm mùa lá vừng chín đỏ.