Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014)

Những ngày lo lắng và bi quan

Tròn 60 năm trước, vào những ngày cuối tháng 3 như thế này, một không khí ngột ngạt, nặng nề và sợ hãi bao trùm khắp thung lũng Mường Thanh. Đợt tấn công thứ nhất của Việt Minh kết thúc đã hơn một tuần, trong khi quân Pháp đang rất căng thẳng chờ đợi đợt tấn công thứ hai, thì tại Chỉ huy sở Mường Phăng, diễn ra Hội nghị rút kinh nghiệm đợt tấn công thứ nhất...

Dưới sự chủ trì của Bộ Tư lệnh mặt trận đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sơ đồ (và cả sa bàn) đợt tiến công thứ nhất được dựng lại với sự thuyết trình vắn tắt của chỉ huy các cấp trực tiếp tham gia các trận đánh: Him Lam, Độc Lập và cả Bản Kéo với nghệ thuật vận động đám lính ngụy đào ngũ. Theo đó, cứ điểm Him Lam nằm cách trung tâm Mường Thanh khoảng 2,5km bán kính về phía Đông Bắc, có nhiệm vụ án ngữ con đường độc đạo từ Tuần Giáo vào Điện Biên. Cùng với cứ điểm Độc Lập và cứ điểm Bản Kéo, Him Lam góp phần quan trọng tạo nên một vành đai phòng ngự kiểu mẫu, kiểm soát chặt chẽ cả một vòng cung rộng lớn, chạy dài suốt từ Đông Bắc sang Tây Bắc lòng chảo Mường Thanh.

Theo sự phân công của Bộ Tư lệnh mặt trận, đại đoàn 312 được vinh dự đánh trận mở màn, tiêu diệt cụm đề kháng Him Lam. Tại hướng phụ cứ điểm số 3, tiểu đoàn 130 (trung đoàn 209) đã phá tung cửa mở, chỉ sau 18 phút đánh vỗ mặt quân thù. Xung kích ta tràn lên, dũng mãnh xông thẳng vào tung thâm với sức mạnh yểm trợ của 5 khẩu ĐKZ. Tiểu đội trưởng Trần Can dẫn đầu một mũi truy kích, đánh chiếm lần lượt từ lô cốt tiền duyên - lô cốt đầu cầu - đánh sang lô cốt số 6 rồi đánh lên lô cốt “mẹ”. Tại lô cốt “mẹ”, địch tử thủ bằng cách dùng hai khẩu súng máy bắn chéo cánh gà. Những đường đạn đan vào nhau theo hình dấu nhân, giăng là là mặt đất, gây rất nhiều thương vong cho quân ta. Trần Can ra hiệu cho một tổ bắn tiểu liên nghi binh để hút hoả lực địch về phía trước, một tổ khác bất ngờ vòng ra phía sau dùng chiến thuật tập hậu.

Sau mấy loạt thủ pháo, tiểu đội Trần Can băng vào trong lô cốt, bắt sống một tên quan ba và tiêu diệt gọn đại đội lê dương số 11. Dứt điểm, Trần Can cắm lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” lên nóc lô cốt địch. Tại cứ điểm số 2, tiểu đoàn 428 (trung đoàn 141) đã vấp phải hàng loạt những khó khăn, ngay từ phút đầu triển khai trận địa. Các ổ súng máy di động của địch lợi dụng đêm tối và địa hình địa vật, đã nhiều lần tấn công ngang sườn đội hình của ta. Để mở được 7 lớp rào thép gai kiên cố, hàng chục đảng viên và chiến sỹ của tiểu đoàn đã thay nhau ngã xuống, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!”. Còn hàng rào cuối cùng, một chiến sỹ ôm bộc phá leo lên nhưng chưa kịp đánh thì đã bị thương; ngay lập tức có nhiều người khác tình nguyện thế chân, sẵn sàng thi gan với hoả lực của địch. Một trong những người con kiên cường ấy là Phan Đình Giót!

Sau khi diệt xong hoả lực mạnh của địch, bộ binh ta như một trận cuồng phong cuồn cuộn dâng lên. Bằng kỹ thuật đánh thọc sâu táo bạo, biến hoá và tạo yếu tố bất ngờ, tiểu đoàn đã nhanh chóng buộc quân địch phải xé lẻ lực lượng, rối loạn đội hình. Theo sáng kiến của dũng sỹ Trần Oanh, đại đội chủ công tiến lên mở một đường máu, tiếp đó lần lượt đến thê đội 1, rồi thê đội 2 ầm ầm xung trận. Quân địch chống cự yếu dần, yếu dần, rồi co dúm lại, nấp kỹ trong các lô cốt, hy vọng đồng bọn ở Phân khu Trung tâm sẽ đến ứng cứu, đánh giải vây...

Cứ điểm thứ hai bị Việt Minh tấn công trong đợt tấn công thứ nhất, đó là đồi Độc Lập. Vào hồi 17 giờ 00 ngày 14/3/1954, trong bữa cơm chiều của binh sỹ Pháp tại cứ điểm Độc Lập, thiếu tá Mác cơnem đắc chí chỉ tay vào những chai sâm banh đựng trong các thùng ướp lạnh, nói với vẻ mặt vừa tự tin vừa hài hước: “Xin hãy để dành chờ trận đánh kết thúc, chúng ta sẽ cùng nhau chạm cốc sau khi quân đội Việt Minh đã bị nghiền nát!”. Đúng lúc ấy, bất ngờ 4 đại đội lựu pháo và súng cối 120 ly của ta, mở trận tập kích dữ dội vào toàn bộ phân khu trung tâm, vào các trận địa pháo, bãi tăng và sân bay Mường Thanh.

Đến 3 giờ 30 sáng 15/3/1954, sau những khoảng im lặng chiến thuật nặng nề và bí hiểm, các cỡ pháo của ta lại nhất loạt gầm lên, dìm Độc Lập chìm trong biển lửa. Cùng lúc ấy, pháo 105 ly và pháo 155 ly của Pirốt bắn như vãi đạn xuống tuyến đầu xung phong của quân ta. Các chiến sỹ của tiểu đội mũi nhọn do tiểu đội trưởng Trần Doãn chỉ huy, chuyền tay nhau lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” bí mật phát triển trong đêm tối, băng qua các hoả điểm trên đường xung phong. Giữa lúc bọn sống sót đang kinh hoàng, run như cầy sấy, thì tiểu đội giáp công Trần Doãn ập tới, bắt sống toàn bộ ban chỉ huy địch đang nấp ở thông hào phòng tuyến thứ nhất. Tại mũi tấn công Đông Nam, bộ đội ta vẫn ngoan cường xông lên, diệt tiếp một đơn vị cối 82 và 120 của địch; đó là đơn vị hoả lực cuối cùng của cụm đề kháng Độc Lập.

Vào lúc 6 giờ 30 ngày 15/3/1954, quân ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm Độc Lập. Trong trận này, quân địch có 383 lính lê dương bị chết, hơn 200 tên bị bắt sống, 175 tên khác bị pháo dập mất xác. Phần lớn các phương tiện và vũ khí của địch bị phá huỷ, 8 khẩu 120 ly bị tịch thu. Như một phản ứng dây chuyền, ngày 17/3/1954 lợi dụng lúc trời chưa sáng hẳn, tiểu đoàn lính Thái số 3 đóng ở vị trí Bản Kéo (Anmari), đã tự động theo nhau đem vũ khí ra hàng. Trong khi Đờcát cuống cuồng phát đi một nhật lệnh nhằm trấn an tinh thần binh lính, thì giới quân sự Pari không tiếc lời chỉ trích trung tá Lănggle - Tư lệnh binh đoàn không vận số 2 (GAP2). Lănggle bị lên án là tư tưởng ích kỷ và đầu óc thiển cận, vì đã điều tiểu đoàn dù số 5 “Việt Nam” làm nhiệm vụ giải vây; mà đáng ra, theo họ, việc đó phải giao cho tiểu đoàn Lê dương số 1 (1er BEP) đảm đương, thì đơn vị này mới đủ kinh nghiệm trận mạc(!)...

... Kết luận của Hội nghị Mường Phăng: Ngày 13/3/1954 địch mất Him Lam, ngày 15 mất Độc Lập và ngày 17 mất tiếp Bản Kéo. Như vậy, cả một phòng tuyến vòng ngoài chạy dài suốt từ Tây Bắc sang Đông Bắc lòng chảo Mường Thanh, đã hoàn toàn bị bỏ ngỏ. Chiến dịch đang ở giai đoạn bắt đầu, ta mới tiêu diệt được 6 trong số 49 cứ điểm của Tập đoàn phòng ngự mạnh nhất Đông Dương. Những tổn thất về quân số cũng như về vũ khí của Tập đoàn cứ điểm, được Cônhi (Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở miền Bắc Việt Nam) bổ sung rất nhanh sau đó. Đợt tấn công đầu tiên của ta đã làm bộc lộ những nhược điểm khó khắc phục của “con nhím Điện Biên Phủ”. Bộ Tư lệnh chiến dịch nhận định rồi đây, những cứ điểm khác khó mà đứng vững trước các cuộc tiến công của ta. Trong khi lực lượng phản kích địch không thể giành lại những vị trí đã mất, thì pháo binh địch tỏ ra hoàn toàn bất lực trước pháo binh của ta. Điều nguy hiểm nhất với Đờcát là chỗ dựa căn bản của Tập đoàn cứ điểm ở sân bay chính Mường Thanh và sân bay dự phòng Hồng Cúm, đều đã và đang bị uy hiếp nghiêm trọng, nhiều máy bay bị pháo ta phá hỏng ngay trong hầm trú ẩn.

Những ngày cuối tháng 3/1954, quân Pháp ở Mường Thanh đang sống trong tâm trạng lo lắng và bi quan tột độ...

Nguồn: baodienbienphu.com.vn