Điện Biên Phủ, “điểm hẹn” của lòng yêu nước

Cả dân tộc hành quân lên mặt trận

Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 1954, hưởng ứng quyết tâm của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch về mở Chiến dịch Trần Đình giải phóng Điện Biên Phủ, bộ máy hậu cần chiến dịch lên tới hơn 3.200 người, dân công tuyến chiến dịch (Tây Bắc) có thời điểm con số huy động tới 30.000 người...

Một lần nữa cả nước dồn sức người sức của cho Biện Biên Phủ. Ngay cả những cán bộ đang làm công tác cải cách ruộng đất, cũng được được tăng cường cho công tác hậu cần lên mặt trận... Không ít đêm để giải quyết những tình huống phát sinh, nhiều cán bộ chủ chốt được yêu cầu ra kiểm tra và xử lý công việc ngay tại mặt đường. Đánh hơi được thông tin, Pháp cho máy bay oanh tạc ngay từ vùng hậu phương của ta. Đèo Cà (tỉnh Bắc Giang hiện nay) bị đánh bom liên tục trong nhiều ngày. Từ cán bộ đến nhân viên văn phòng, y tá, cấp dưỡng... được huy động vào việc sửa đường, có đêm làm suốt sáng mới tạm ổn.

Di tích ghi dấu TNXP trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trên đỉnh đèo Pha Đin - quốc lộ 6
(huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên).

Rút kinh nghiệm những chiến dịch trước, ta chủ trương tranh thủ nguồn lương thực, thực phẩm ngay tại địa phương càng nhiều càng tốt. Mặt khác, sử dụng phương tiện vận chuyển cơ giới dần thay cho phương thức vận chuyển thủ công. Lúc này, phần lớn diện tích Tây Bắc đã được giải phóng từ cuối năm 1952. Do vậy, “nguồn cung” từ 4 bồn địa (các cánh đồng Mường Thanh, Mường Lò, Mường Than, Mường Tấc), là những “kho lương” với trữ lượng lớn, cho nguồn cung đáng kể trong chỉ tiêu 6.000 tấn lương thực của khu vực Tây Bắc. Nhân dân vùng cao vừa thu hoạch vụ mùa lại vui vẻ nộp thóc cho Chính phủ rồi tham gia dân công. Việc xay giã thóc ra gạo thành một việc khá khó khăn. Loại cối xay nhỏ hoặc giã thóc bằng cối gạo nước là quá chậm. Đúng là trong “cái khó ló cái khôn”, cơ quan hậu cần tìm những người thợ giỏi ở miền xuôi hướng dẫn cho nhân dân cách đóng cối xay gạo cớ lớn. Rất nhiều dân công tỉnh Vĩnh Phúc được giao cùng nhân dân xay thóc, giã gạo và vận chuyển về kho tập kết.

Theo Trung tướng Nguyễn Vĩnh Phú - Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng thì: Tuyến hậu cần chiến dịch trải dài trên 350km, ban đầu tổ chức thành 4 binh trạm (ở Ba Khe, Sơn La, Tuần Giáo và Nà Tấu). Mỗi binh trạm có lực lượng vận tải, quân y, kho tàng... vừa bảo đảm cho bộ đội hành quân vừa chuyển vật chất lên tuyến trước. Tổng cục Cung cấp còn tổ chức tuyến vận tải Sơn La - Mường Luân - Na Sang phối hợp với các địa phương ở thượng nguồn sông Mã huy động nhân, vật lực bảo đảm cho Đại đoàn 304 tác chiến ở Hồng Cúm (nam thung lũng Mường Thanh); đồng thời cải tạo và tổ chức vận tải bằng thuyền, mảng theo sông Nậm Na, chuyển 1.700 tấn gạo do Trung Quốc giúp đưa về kho Lai Châu (thị xã Mường Lay hiện nay).

Để tập trung lực lượng, tăng cường khả năng bảo đảm cho tác chiến phía trước, cuối giai đoạn chuẩn bị, ta điều chỉnh về phân tuyến hậu cần chiến dịch, gồm 3 tuyến với cơ sở kho tàng đồng bộ, hình thành 3 khu vực hậu cần. Tuyến Sơn La - Tuần Giáo (sở chỉ huy ở thị xã Sơn La) có lực lượng dân công, thanh niên xung phong làm nhiệm vụ sửa và mở đường, các kho và bệnh viện mặt trận (tổ chức trên cơ sở Đội điều trị 6). Tuyến Tuần Giáo - Lai Châu (sở chỉ huy gần Tuần Giáo), có lực lượng vận tải vận chuyển hàng từ Tuần Giáo đến Nà Tấu và km62, lực lượng thanh niên xung phong làm đường, các kho tiếp chuyển, bệnh viện mặt trận (bệnh viện tổ chức trên cơ sở Đội điều trị 7). Tuyến hậu cần hoả tuyến trực tiếp bảo đảm cho các đơn vị chiến đấu phía trước (sở chỉ huy ở gần Nà Tấu), có lực lượng dân công và xe đạp thồ vận chuyển hàng cho các kho trung chuyển, các đại đoàn, các trung đoàn pháo binh, bệnh viện mặt trận (bệnh viện tổ chức trên cơ sở Đội điều trị 1 và Đội điều trị 4). Để hỗ trợ các đơn vị, quân y chiến dịch đã tổ chức 3 đội điều trị ở ngay sau các đội điều trị của các đại đoàn bộ binh. Tại tuyến hậu cần cấp chiến thuật, các kho, trạm quân y và lực lượng vận tải được tổ chức ở cấp đại đoàn và trung đoàn.

Phải thừa nhận là quân Pháp tính toán khá chính xác khả năng vận chuyển, tiếp tế của ta cho những chiến trường ở xa hậu phương. Một thống kê cho biết với chiến dịch Tây Bắc, từ hậu phương lương thực đưa ra mặt trận bằng dân công gánh bộ, tới nơi chỉ còn nộp kho được khoảng 8%! Vậy mà, so với chiến dịch Tây Bắc, tuyến đường cung cấp cho chiến trường Điện Biên Phủ còn xa hơn nhiều và đương nhiên khâu vận chuyển, tiếp tế cũng khó khăn hơn nhiều. Tuy nhiên, lòng can đảm của cả một dân tộc đã được thử thách. Những thành tựu của tám năm kháng chiến được đúc kết không chỉ về kinh nghiệm đào hào, đánh lấn, kỹ thuật áp sát bộ binh hay phối hợp với hỏa lực tầm xa... mà cả công tác chi viện tới mức cao nhất về sức người, sức của cho mặt trận.

“Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ” (Tố Hữu).

Bằng kinh nghiệm, Trung ương thấy rõ vai trò của những tuyến đường trong những chiến dịch lớn. Lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) với sự giúp đỡ của nhân dân đã khôi phục và mở rộng 4.500km đường, trong đó có trên 2.000km xe cơ giới có thể hoạt động được. Cuối năm 1953, tuyến đường Tuần Giáo - Lai Châu, đoạn đường 41 Tuần Giáo - Điện Biên Phủ (sau này gọi là quốc lộ 42) được sửa sang, nâng cấp. Tuyến Tuần Giáo - Điện Biên Phủ dài hơn 80km, mặt đường rất hẹp, sạt lở nhiều chỗ, cầu cống đều đã hư hỏng, không thể chạy được ô tô tải với pháo kéo phía sau. Nhìn chung mọi con đường lên Tây Bắc và lên Điện Biên, đều phải qua vượt qua vô vàn những đèo cao, vực thẳm, suối dữ, sông sâu. Để bảo đảm giao thông cho cơ động xe pháo và hậu cần chiến dịch, cùng với bộ đội và dân công, lực lượng TNXP giữ vai trò chủ chốt trong việc mở mới và sửa chữa một số trục đường từ chiến khu Việt Bắc lên chiến trường Tây Bắc; trong đó, Điện Biên Phủ trở thành “điểm hẹn” của lòng yêu nước.

Vấn đề bảo vệ an toàn cho những con đường dẫn lên Điện Biên Phủ, cũng được coi như những chiến công. Trên các tuyến Thanh Hóa - Điện Biên Phủ (dài gần 600km) và tuyến Lạng Sơn - Điện Biên Phủ (dài gần 800km), Pháp lên danh sách 40 điểm giao thông cần lưu ý tăng cường oanh tạc trong mọi lúc và với cường độ cao. Thậm chí chúng còn định dùng mưa nhân tạo để trước hết là cản trở lưu thông, sau là phá cho hỏng mặt đường. Chuyện kể rằng đầu năm 1954, lúc các đơn vị bộ đội hối hả hành quân lên Tây Bắc, thì 14.000 TNXP theo lệnh điều động của Hội đồng Cung cấp mặt trận Điện Biên Phủ, cũng có mặt để sẵn sàng làm công tác phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau đó, xuất phát từ yêu cầu của chiến trường, hơn 6.000 TNXP chuyển sang trực tiếp cầm súng đối mặt với quân thù, còn lại hơn 8.000 người rải dọc quốc lộ 6 từ Chợ Bờ - Suối Rút (Hoà Bình), qua ngã ba Cò Nòi (Sơn La), vượt đèo Pha Đin lên lòng chảo Mường Thanh (huyện Điện Biên, tỉnh Lai Châu cũ).

Để có thể làm thay đổi cục diện, ngày 3/12/1953, Nava - Tổng Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương - ra chỉ thị: “Về việc điều hành những cuộc hành quân ở vùng Tây Bắc - Bắc kỳ”. Trong đó, yêu cầu không quân: “Những điểm cần đánh phá với sức mạnh tối đa, là: Trên trục QL13, đặc biệt là điểm nút giao thông Yên Bái và bến phà Tạ Khoa. Trên đường 41, là vùng Cò Nòi và Hát Lót”. Vinh quang thay TNXP Việt Nam! Vinh quang thay quốc lộ 13, quốc lộ 15 và quốc lộ 6 (trước gọi đường 41)! Những con đường được làm ra và được bảo vệ bởi bàn tay và khối óc, bởi sức lực và máu xương của hàng chục nghìn cán bộ, đội viên TNXP. Dưới tầm bom giặc, từng đoàn dân công đêm đêm vẫn đổ lên Tây Bắc, đổ vào Điện Biên Phủ. Cả dân tộc Việt Nam hành quân lên mặt trận, lực lượng TNXP không có gì ngoài trái tim yêu nước trong lồng ngực mỗi người. Trái tim ấy, từng nhịp đập át tiếng bom rơi...

Nguồn: baodienbienphu.com.vn