Tự chọn môn thi tốt nghiệp THPT: Học sinh hướng về các môn tự nhiên

(NTO) Tuy chưa có văn bản chính thức của Bộ GD&ĐT về phương án và quy chế kỳ thi tốt nghiệp (TN) THPT năm 2014, nhưng hiện nay hầu hết các trường THPT trên địa bàn tỉnh đều đã bước đầu cho học sinh (HS) lớp 12 đăng ký 2 môn thi TN tự chọn.

Cũng giống với thực trạng chung của cả nước, kết quả thống kê ban đầu tại một số trường THPT trên địa bàn tỉnh ta cho thấy, đã có sự chênh lệch lớn giữa các môn thi khối tự nhiên và xã hội. Cụ thể, Lịch sử và Tiếng Anh đang là 2 môn thi có ít HS chọn nhất.

Giờ ôn thi tốt nghiệp của học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Văn Linh, huyện Thuận Nam.

Năm học này, Trường THPT Nguyễn Văn Linh, huyện Thuận Nam có 156 HS lớp 12 nhưng chỉ có 14 em đăng ký dự thi TN môn Lịch sử và 17 em đăng ký dự thi môn Tiếng Anh. Trường THPT An Phước có tổng số 470 HS lớp 12 thì cũng chỉ có 37 em đăng ký dự thi môn Lịch Sử và 47 em đăng thi thi môn Tiếng Anh. Có những lớp chỉ có 1 hoặc thậm chí là không có HS nào đăng ký dự thi 2 môn này.

Đối với môn Lịch sử, lý giải chung của các HS là “Vì môn học có nhiều số liệu, sự kiện dài dòng nhưng yêu cầu phải thuộc lòng mà điểm số thì khó đạt cao”. Với lý do này, không chỉ riêng những HS học khối tự nhiên, mà ngay cả với các em định hướng dự thi đại học khối C cũng không chọn Lịch sử là môn thi TN. Em Nguyễn Thị Thúy An, HS lớp 12C1, Trường THPT Nguyễn Văn Linh, cho biết: “Nhiều bạn lớp em dự thi Đại học khối C nhưng không chọn môn Lịch sử để thi TN vì ôn thi Lịch sử mất rất nhiều thời gian, sẽ làm ảnh hướng đến các môn học khác. Trong khi các môn tự nhiên có thể đạt điểm tuyệt đối thì Lịch sử lại rất khó đạt điểm cao, có thể làm ảnh hưởng đến kết quả của cả kỳ thi”.

Không chỉ dừng lại ở việc không lựa chọn làm môn thi, theo phản ánh của các giáo viên thì HS không chỉ khối 12 mà tất cả các khối lớp đều đang có xu hướng “lơ là” Lịch sử. Thầy giáo Nguyễn Văn Dũng, giáo viên dạy bộ môn Lịch sử, Trường THPT Tôn Đức Thắng, huyện Ninh Hải chia sẻ: “Ngay khi có thông tin HS được tự chọn 2 môn thi TN THPT, không khí giờ học Sử dường như khác hẳn. Ngoài một số em đặc biệt yêu thích và lựa chọn Lịch sử là môn thi đại học, số HS còn lại chỉ học theo kiểu đối phó với các bài kiểm tra cho dù các giáo viên vẫn nỗ lực hết sức để lôi cuốn các em vào bài giảng”.

Ngược lại với Lịch sử, Tiếng Anh được xem là môn học mới, có sức hấp dẫn nhưng cũng là một trong những môn thi ít được HS lựa chọn để dự thi TN, đặc biệt là các trường ở vùng nông thôn. Lý giải cho điều này, thầy giáo Hán Văn Mai, giáo viên bộ môn Tiếng Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT An Phước, huyện Ninh Phước, cho biết, “Vì điều kiện học Tiếng Anh của HS nông thôn còn nhiều hạn chế nên đa số các em chỉ coi đây là môn học đối phó và bị mất kiến thức nền tảng ngay từ cấp THCS. Những kỳ thi TN THPT trước đây, Tiếng Anh được xem là một trở ngại lớn với nhiều HS, vì vậy khi được tự chọn môn thi TN, các em như trút bỏ được gánh nặng của mình”. Tuy nhiên, khác với môn Lịch sử, đa số HS đều ý thức được rằng, Tiếng Anh đang là nhu cầu và một kỹ năng cần thiết trong thời kỳ hội nhập, do đó các em vẫn có thái độ học tập rất nghiêm túc.

Sự chênh lệch trong việc chọn môn thi TN của HS đã thấy rõ. Nhưng liệu việc HS được tự chọn môn thi TN có gây nên hiện tượng học lệch? Trả lời câu hỏi này, hầu hết các cán bộ, giáo viên THPT đều cho rằng: Việc học lệch là hoàn toàn không thể tránh khỏi và việc HS dần ít hứng thú với môn Lịch sử là có thể xảy ra. Cho dù Bộ GD&ĐT kết hợp kết quả học tập và rèn luyện của HS ở lớp 12 với kết quả 4 môn thi để công nhận và xếp loại TN thì các em cũng sẽ ưu tiên cho những môn mình yêu thích và xác định thi đại học; những môn còn lại như Lịch sử, Tiếng Anh chỉ cần học đối phó, đủ điểm, đạt yêu cầu cho các bài kiểm tra.

Học lệch là đáng phê phán nhưng việc HS lựa chọn và tập trung cho những môn học mình yêu thích rõ ràng là điều hoàn toàn hợp lý. Để các em không bỏ quên và có sự công bằng với những môn học quan trọng như Lịch sử, Tiếng Anh có lẽ chỉ cần quy chế thi cử thôi chưa đủ. Bên cạnh đổi mới phương pháp dạy học, thu hút HS vào bài giảng, cán bộ, giáo viên cũng nên có sự định hướng, khơi gợi giúp các em nhận ra ý nghĩa, tầm quan trọng và những điều mới mẻ trong bài học. Riêng những bài học Lịch sử cũng không nhất thiết chỉ được truyền đạt qua bài giảng và sách vở, trách nhiệm dạy sử cho thế hệ trẻ hôm nay nên chia đều trong xã hội thông qua các kênh truyền thông, các giờ học ngoại khóa, hội thi, trò chơi … có như vậy thì kiến thức Lịch sử mới không còn là bài học thuộc lòng và mang đúng ý nghĩa của nó.