Phương pháp học tập môn Hóa Học

(NTO) Để đạt kết quả cao trong các kỳ thi cần rất nhiều vào các yếu tố: tâm lý, kiến thức, kỹ năng làm bài… Trong đó vấn đề tâm lý rất quan trọng; muốn có tâm lý bình tĩnh, tự tin thì kiến thức là yếu tố quyết định. Do đó vấn đề học như thế nào sẽ quyết định kết quả bài thi, bản thân học sinh phải có phương pháp học phù hợp, thời gian hợp lý.

I. Phần kiến thức:

Để học tốt trước hết các em cần phải nắm vững một số kiến thức cơ bản trong cấu trúc đề thi

1. Hoá vô cơ

1.1 Chương trình lớp 10

- Cấu tạo nguyên tử - Bảng hệ thống tuần hoàn - Liên kết hóa học.

- Các vấn đề liên quan phản ứng oxi hóa -khử.

- Ứng dụng và các phản ứng quan trọng của nhóm nguyên tố halogen, oxi và lưu huỳnh.

- Tốc độ phản ứng - Cân bằng hoá học

1.2 Chương trình lớp 11

- Các khái niệm axit, bazơ,.... Các bài toán về nồng độ dung dịch, độ pH.

- Các phản ứng của nitơ và hợp chất của nitơ; photpho.

1.3 Chương trình lớp 12

- Đại cương kim loại

- Các phản ứng của: kim loại kiềm, kim loại kiềm thổ, Al, Fe...

- Ăn mòn kim loại, nước cứng, điều chế kim loại

2. Phần hữu cơ:

- Các phản ứng của hidrocacbon.

- Hợp chất hữu cơ chứa C, H, O: các phản ứng của ancol, phenol, anđehit, axit, este, cacbohidrat.

- Hợp chất hữu cơ chứa C, H, N: các phản ứng của amin (đặc biệt có anilin và muối phenylamoni clorua)

- Hợp chất hữu cơ chứa C, H, O, N: các phản ứng của amino axit, este của amino axit, muối amoni đơn giản (RCOONH4), muối của amin đơn giản (RCOOH3N-R').

- Một số Polime quan trọng.

II. Phương pháp học

Với khối lượng kiến thức rất nhiều nên khi ôn bài các em cần nhớ một nguyên tắc là "Lặp lại thông tin càng nhiều, ký ức càng tốt, càng dễ hồi tưởng", vì vậy làm càng nhiều bài tập hóa học càng tốt (khi làm bài tập phải có sự liên tưởng kết nối các kiến thức liên quan, phải tự mình rút ra điều gì hay, kĩ năng gì cần áp dụng trong mỗi bài, thậm chí giảng giải và tranh luận với bạn bè, thầy cô để giải quyết những vấn đề mình phát hiện hay thắc mắc)

- Đối với các bài học về lý thuyết chủ đạo: các em cần nắm vững định nghĩa, khái niệm (quan trọng là phải hiểu được bản chất của vấn đề và biết cách vận dụng).

- Đối với các bài học về chất: các em cần phải nắm vững

+ Tên gọi.

+ Tính chất vật lí.

+ Mối quan hệ: Cấu tạo Tính chất hóa học.

+ Ứng dụng.

- Đối với lí thuyết từng phần phải có sự hệ thống hoá, tổng hợp.

- Khi giải bài tập hóa học cần phải

+ Nắm vững lý thuyết, có một số kĩ năng tính toán (áp dụng được công thức, tính theo phương trình phản ứng, lập và giải hệ phương trình,...)

+ Có kĩ năng phân tích đề (dữ kiện của đề bài yêu cầu của đề bài hướng giải).

+ Có kĩ năng sử dụng tốt các thủ thuật tính toán (phương pháp trung bình, phương pháp ghép ẩn số, phương pháp qui đổi, phương pháp tăng giảm khối lượng,...), áp dụng các định luật cơ bản của hóa học để giải nhanh (định luật bảo toàn khối lượng, định luật bảo toàn điện tích, định luật bảo toàn electron,....).

+ Phần hữu cơ còn phải chú ý đến các qui tắc cộng vào liên kết bội, qui tắc thế vào vòng thơm, qui tắc tách,....

III. Cách làm bài

Để khỏi phân tâm và mất bình tĩnh khi làm bài thi thì phải biết cách làm: Làm những câu dễ trước câu nào chắc chắn cho không làm trước để lấy điểm, có thể chia ra nhiều lần đọc đề, mỗi lần trả lời 1 số câu hỏi, chia thời gian làm cho các loại câu hỏi, Ví dụ: 1,0 phút cho câu lí thuyết 1,5 phút cho câu bài tập, nếu quá thời gian qui định thì bỏ qua không nên tiếp tục làm câu đó. Làm câu lí thuyết trước, bài tập làm sau.

Dạng câu hỏi định lượng: câu nào dễ, thuộc dạng quen thuộc thì làm ngay; Câu nào khó chưa nghĩ được cách giải tạm thời để giải quyết sau. Tuy nhiên khi giải phải kết hợp cả đáp án vì nhiều trường hợp nhìn vào đáp án có thể định dạng nhanh kết quả ta cần tìm. Cuối cùng những câu quá khó giải quyết sau cùng và có thể dự đoán đáp án.